Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện tích cực đổi mới nội dung, phương thực hoạt động, theo hướng sát cơ sở, gần nông dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho hội viên, nông dân nhằm nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã khuyến khích cán bộ hội viên, nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư SXKD, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đặc biệt, tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành nông sản. Qua đó, xuất hiện nhiều gương sáng nông dân tiêu biểu; nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào SXKD.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo đó, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi” được Hội Nông dân huyện Châu Thành triển khai sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân. Giai đoạn 2022 - 2024, huyện Châu Thành có 7.854 lượt nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi. Qua xét chọn, có 22.846 lượt nông dân và 58 lượt tập thể được công nhận nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong đó, 1.833 cá nhân và 16 tập thể giỏi cấp tỉnh; 5.427 cá nhân và 19 tập thể giỏi cấp huyện; 15.518 cá nhân và 23 tập thể giỏi cấp xã. Đến nay, toàn huyện có 19 hợp tác xã (HTX), 132 tổ hợp tác (THT), với 1.011 thành viên/1.604ha.
Nông dân trên địa bàn huyện ngày càng nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như: Mô hình nhân giống và trồng hoa kiểng trong nhà màng của ông Phan Minh Mẫn (thị trấn An Châu) có doanh thu hàng năm trên 1,5 tỷ đồng; sản xuất đông trùng hạ thảo của ông Trương Hoàng Huy (xã Cần Đăng), lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm; trồng dưa lưới trong nhà lưới của ông Phan Văn Chiến (Vĩnh Nhuận) lợi nhuận 500 triệu đồng/năm; trồng nấm linh chi, nấm bào ngư và sản xuất phôi giống của Tổ dịch vụ nông nghiệp Tín Đạt (xã Bình Hòa) do ông Huỳnh Minh Kiển thực hiện, lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm; trồng sầu riêng của ông Bùi Minh Thắng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) lãi trên 200 triệu đồng/năm …
Từ phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, nông dân liên kết để tham gia thực hiên “Cánh đồng lớn”, sản xuất lúa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Nhiều nông dân đi đầu trong việc tập hợp nông dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của tập thể để tăng khả năng cạnh tranh trong SXKD. Điển hình như: THT sản xuất lúa giống Bình An 2 của ông Nguyễn Hoàng Sơn (xã An Hòa); THT sản xuất lúa giống Vĩnh Thuận của ông Nguyễn Thanh Tài (xã Vĩnh Nhuận), THT sản xuất lúa giống Gia Nông, lúa giống An Thành (xã Vĩnh Nhuận)… giúp nhiều nông dân, tổ viên tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Không chỉ ở xã Bình Thạnh, nông dân các xã, thị trấn còn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu đạt lợi nhuận cao. Điển hình như: Ông Võ Ngọc Trạng (ngụ ấp Trung Thành, Vĩnh Thành) canh tác 2,5ha trồng dưa hấu, mang lại doanh thu trên 850 triệu đồng/năm; THT trồng hoa xã Vĩnh Hanh, với 30 hộ canh tác trên 2,5ha trồng các loại hoa, mang lại lợi nhuận bình quân trên 50 triệu đồng/hộ/năm. Tận dụng lợi thế vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long, nguồn nước ngọt phong phú, nhiều nông dân đã mạnh dạn nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi cá lóc của ông Trịnh Văn Duyên (thị trấn Vĩnh Bình), với lợi nhuận trên 900 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 8 lao động; mô hình nuôi ếch giống của ông Nguyễn Văn Chờ (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận), với lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5 lao động…
Bên cạnh thi đua SXKD, giúp nhau thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nông dân huyện Châu Thành còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, xây dựng nông thôn mới. 3 năm qua, lực lượng nông dân giỏi 3 cấp của huyện hướng dẫn, giúp đỡ gần 1.700 lượt nông dân về khoa học - kỹ thuật, về việc làm để vươn lên thoát nghèo; đóng góp trên 27,7 tỷ đồng và gần 324.000 ngày công lao động để cất mới, tu sửa trên 60 cây cầu nông thôn; xây dựng mới và sửa chữa trên 340 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương; vận động tiền rải cát đá hàng trăm km đường giao thông nông thôn và thực hiện nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Đức đánh giá cao kết quả phong trào nông dân SXKD giỏi của huyện Châu Thành thời gian qua. Qua đó, đề nghị Hội Nông dân huyện tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)... góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
TRUNG HIẾU