Ông Chau An là nông dân điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi con học hành thành tài
Ông Chau An cho biết, trước đây ông từng là giáo viên, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông công tác được 6 năm rồi xin nghỉ để phụ giúp gia đình làm nông nghiệp. Năm 1986, ông Chau An lập gia đình và được cha mẹ cho 9 công đất ruộng và đất vườn trên núi Tô để làm ăn riêng. Từ khi lập gia đình, vợ chồng ông cố gắng làm ăn, hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cái nghèo luôn đeo bám, các con lần lượt ra đời, khó khăn chồng chất khó khăn. “Trước đây, đất bị nhiễn phèn nặng, hệ thống thủy lợi không hoàn chỉnh nên việc trồng lúa, làm vườn của gia đình không hiệu quả, cuộc sống lâm vào tình thế túng quẫn. Vợ chồng tôi phải đi làm thuê, mướn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày cũng như lo cho các con”- ông Chau An chia sẻ.
Đến năm 2000, nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu cho trồng trọt. Nhờ đó, vợ chồng ông tập trung đầu tư canh tác 2 vụ lúa, thêm vào đó, nhờ chủ động được nguồn nước nên 2 công xoài thanh ca, trồng xen mít trên núi Tô phát triển tốt, cuộc sống gia đình từ đó có bước tiến rõ rệt. Từ đây, ông Chau An có tiền dành dụm, tích góp để mua thêm đất ruộng canh tác, nâng cao thu nhập cho gia đình. “Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 2ha đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, phần đất trên núi Tô gia đình tôi tận dụng trồng xoài, mít, rẫy… thu nhập từ làm vườn tạo điều kiện cho gia đình tôi trang trải cuộc sống hàng ngày” - ông Chau An chia sẻ.
Nhớ lại thời gian đã qua, ông Chau An cho biết, mặc dù kinh tế gia đình đã ổn định, nhưng để có tiền lo cho 2 người con học đại học không phải chuyện đơn giản. “Tiền sinh hoạt của 2 đứa con khoảng 5 triệu đồng/tháng (chưa tính học phí). Trong khi thu nhập của bản thân không có bao nhiêu, dù khó khăn, nhưng tôi chưa từng nghĩ cho các con nghỉ học, phải học có cái chữ thì tương lai mới tươi sáng được, làm nông dân như mình cực lắm, cuộc sống bấp bênh. Mình chịu cực một chút mà sau này con mình thành đạt cũng mãn nguyện”.
Không phụ lòng cha mẹ, 2 người con của ông Chau An đều được học hành đến nơi đến chốn và đã có việc làm ổn định. Anh Chau Coc Sol (con trai lớn ông Chau An) đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và hiện công tác tại Bệnh viện Tim mạch An Giang. Còn anh Chau San (con trai út tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) đang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tri Tôn.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, bản thân ông Chau An là một trong những nhân tố tích cực trong việc vận động người dân hiến đất, đóng góp sức người, sức của xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Núi Tô Chau Sóc Khom đánh giá: “Anh Chau An là một trong những tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương. Bản thân anh là nông dân gương mẫu, đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ nhiều nông dân địa phương trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình”.
ĐỨC TOÀN