Phú Tân là vùng trồng nếp nổi danh trong tỉnh, khi đã có thâm niên gần nửa thế kỷ trồng loại cây đặc sản này. Từ sau năm 1990, cùng với chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, cây nếp được chú trọng hơn, từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế, diện tích sản xuất cũng được mở rộng dần.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện xuống giống 23.855ha lúa, nếp. Hàng năm, 750.000 tấn nếp được thu hoạch. Điều băn khoăn là, dù trồng loại cây thế mạnh, nông dân vẫn chưa đạt được lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí đôi lúc bấp bênh.
Đem trăn trở này gửi gắm đến Quốc hội, ông Trương Văn Dũng (ngụ xã Phú Lâm) nguyện vọng đề nghị: “Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm kêu gọi doanh nghiệp (DN) về đầu tư xây dựng nhà máy ở Phú Tân, vừa thu mua trực tiếp với nông dân, vừa chế biến xuất khẩu ra nước ngoài. Làm được như vậy, giá nếp sẽ thay đổi, tạo công ăn việc làm, tận dụng lao động nhàn rỗi địa phương”.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Tân Phạm Thành Minh (đại biểu HĐND tỉnh) chia sẻ vấn đề này với bà con: “Thời gian qua, huyện đã hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, diện tích liên kết nhiều hơn hẳn địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, sau thời gian liên kết, quyền lợi của DN và quyền lợi của người dân chưa gặp nhau, chưa đạt yêu cầu đôi bên. Đối với câu chuyện liên kết này, lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục trao đổi, tính toán thêm”.
Chở nếp tiêu thụ
Lắng nghe tâm tư nông dân, trong đợt tiếp xúc cử tri An Giang sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhận định, đây là vấn đề không mới, được nhắc lại thường xuyên. Đảng, Nhà nước đã xác định Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta nhấn mạnh: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế, thể hiện tinh thần hết sức coi trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trung ương cũng dành nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này, thông qua các nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quan trọng nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mấu chốt lại là phát triển kinh tế tập thể. Đây là xu thế phổ biến của thế giới, đặc biệt cần quan tâm khi nước ta có nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Dù vị thế rất lớn lao, nhưng nông nghiệp vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế. Sau 40 năm đổi mới, duy nhất chỉ ngành nông nghiệp luôn xuất siêu. Hàng năm, tăng trưởng trong nông nghiệp đều tăng lên, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong kinh tế chung lại giảm xuống.
Dù xuất khẩu tăng lên gần 54 tỷ USD, nhưng tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong GDP chỉ chiếm 11,5% (tại An Giang, số liệu này trên 33%). Nước ta là nước nông nghiệp, nhưng chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, dẫn đến sản phẩm nhiều nhưng chưa xuất khẩu chính ngạch, chủ yếu được bán dạng thô. Lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu sự đầu tư từ các nhà khoa học, trong nghiên cứu phát triển về giống, nhất là giống rau, củ, quả...
“Tư duy của nông dân vẫn tư hữu là chính, khó thay đổi từ sản xuất cá nhân sang sản xuất tập thể, khó đầu tư sản xuất lớn. Muốn kéo DN về đầu tư chế biến, thì phải đảm bảo được vùng nguyên liệu. Không DN nào dám đầu tư khi không được đảm bảo vùng nguyên liệu đủ nhu cầu sản xuất, chế biến.
Đầu tư lớn, vốn thu hồi lâu hơn, nhưng không đủ nguyên liệu sản xuất thường xuyên, DN sẽ bị phá sản. An Giang và nhiều tỉnh đã có tình trạng này rồi. Nông dân sản xuất theo cá nhân, mỗi hộ chọn giống khác nhau, cách chăm sóc khác nhau, sử dụng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Những khâu riêng lẻ ấy không tạo ra chủng loại sản phẩm đồng đều, giống nhau để DN thu mua chế biến, xuất khẩu” - đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn phân tích.
Ông dẫn chứng câu chuyện tỉnh Sơn La học tập tỉnh An Giang, Đồng Tháp trồng xoài. Sau đó, họ áp dụng trên diện tích vùng trồng nhiều hơn An Giang, nhưng chưa cần “giải cứu” xoài. Họ làm được điều đó vì toàn vùng trồng duy nhất 1 giống xoài, bón 1 loại phân, phun 1 loại thuốc. Chủng loại sản phẩm giống nhau, đủ sản lượng phục vụ được các thị trường khác nhau, cung ứng cho nhà máy chế biến. Vùng nguyên liệu ổn định này thu hút đông đảo nhà đầu tư đến Sơn La, điều mà An Giang chưa làm được trong thời điểm hiện nay.
Một vấn đề khác, chuyện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển. Thế nhưng, liên kết “4 nhà”, trong đó liên kết trung tâm “nhà nông trong DN” nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy, giống như huyện Phú Tân đang gặp phải.
Để duy trì được mối liên kết, đòi hỏi sự hợp tác 2 chiều. Nếu người dân tính toán lợi ích nhất thời 1 - 2 vụ, không nghĩ đến quyền lợi của DN, về lâu dài lại gặp vướng mắc. Dù hội nông dân các cấp thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, nông dân, nhưng vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng này. Ở phía ngược lại, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có một số DN nước ngoài, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”.
Điều này đem đến lợi ích lớn cho DN, nhưng nông dân hưởng lợi ít, phụ thuộc hoàn toàn vào DN, gần như trở thành người làm công trong chính mảnh đất của mình. DN khống chế đầu vào - đầu ra, vì vậy toàn bộ giá trị gia tăng có được, nông dân, địa phương, đất nước không được hưởng.
“Để giải quyết dứt điểm những thực trạng ấy, ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, chính quyền địa phương, hội đoàn thể… rất cần nông dân cùng làm, cùng thay đổi. Chúng ta phải nghĩ đến quá trình sản xuất bền vững, mạnh mẽ tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đây là mục tiêu, giải pháp tốt nhất để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp” - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
GIA KHÁNH