Đà Nẵng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trồng rau cho người dân - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại Hội thảo "Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên" được tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 26-6, nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian qua.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, trong điều kiện hạn chế về quy mô, diện tích đất như Đà Nẵng thì phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu.
Những năm qua, Thành phố đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC bước đầu mang lại hiệu quả tốt như: Mô hình chăn nuôi thịt heo theo công nghệ chuồng lạnh khép kín; mô hình sản xuất rau trong nhà màng; mô hình sản xuất giống và thương phẩm hoa lan hồ điệp trong nhà lưới CNC quy mô công nghiệp; mô hình trồng hoa lan dendro, mokara cắt cành; mô hình trồng hoa lily… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện TP. Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích trên 500 ha, trong đó kêu gọi các lĩnh vực đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi…, bước đầu đã có 7 nhà đầu tư đang tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án. Hiện đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích 117 ha, tại Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Sau 2 năm triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp, tại Quảng Trị đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô lớn mang lại hiệu quả tích cực như: Ký kết phát triển vùng nguyên liệu dứa với mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.000 ha để xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu; ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong biển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, dự án này đã triển khai được 250 ha. Tỉnh cũng đang ký kết với nhiều DN để triển khai vùng sản xuất chanh leo, hồ tiêu….
Bên cạnh phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, Quảng Trị còn tập trung thu hút liên kết giữa Sở NN&PTNT với DN để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, điển hình là liên kết để phát triển thương hiệu gạo hữu cơ. Đây là mô hình không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm hiệu quả cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường.
Mô hình lan cắt cành trong nhà kính tại Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập từ năm 2013. Đến nay Khu này có 5 dự án đang triển khai đầu tư, đó là: Dự án chăn nuôi gà sạch công nghệ cao với tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng; dự án trồng và cung cấp nông sản sạch với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh công nghệ cao với công suất thiết kế 50.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng; dự án ứng dụng công nghệ tự động và bán tự động trong sản xuất một số loại rau quả tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; dự án sản xuất rau công nghệ cao khu vực miền Trung tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng…
Để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư về tiền thuê đất, thuế thu nhập DN; ưu đãi thuế xuất nhập khẩu...
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện Lâm Đồng đã xây dựng được gần 23.000 ha rau, hoa, cây đặc sản, gần 20.000 ha cà phê, trên 6.000 ha chè và trên 90 ha sầu riêng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Một số trang trại chăn nuôi đã áp dụng quy trình quản lý chăn nuôi hiện đại như theo dõi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, vắt sữa bằng hệ thống cảm biến, qua internet…
Theo ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) thì ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, DN triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch…
Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu bảo đảm hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC theo mục 9 Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07-3-2017 của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN…
Theo Chính Phủ