Nuôi bò vỗ béo - mô hình cũ nhưng hiệu quả cao

26/11/2019 - 07:26

Nuôi bò vỗ béo đang là mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn, bởi bò là động vật dễ nuôi, phương thức chăn nuôi đơn giản, rủi ro thấp, nguồn vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi bò được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình

Trước đây, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Sự (ngụ ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, An Phú) phụ thuộc chủ yếu vào việc canh tác lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao, cuộc sống bấp bênh. Do đó, vợ chồng anh Sự đã trăn trở, suy nghĩ nhằm tìm kiếm loại cây trồng, vật nuôi khác để phát triển kinh tế gia đình. “Qua những lần họp mặt nông dân, tôi được giới thiệu nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả của nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương, trong đó có mô hình nuôi bò vỗ béo. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi mạnh dạn mua 4 con bò về nuôi. Nhờ những kinh nghiệm có được thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi bò do địa phương tổ chức, tôi đã áp dụng và đã đạt được những kết quả khả quan. Sau 12 tháng nuôi, bò xuất chuồng, gia đình tôi bán được 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng” - anh Sự thông tin.

Cũng giống như anh Sự, gia đình anh Nguyễn Chí Tâm (ấp Khánh An, xã Khánh Hòa, Châu Phú) trước đây ngoài việc canh tác rau màu còn chăn nuôi heo để nâng cao nguồn thu nhập. Tuy nhiên, thấy việc nuôi heo tiềm ẩn nhiều rủi ro: giá cả lên xuống thất thường, dịch bệnh khó kiểm soát… nên anh Tâm đã cải tạo chuồng trại, mua 10 con bò tơ về nuôi. Đợt đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nên lợi nhuận mang lại không cao. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi khoảng 6 triệu đồng/con. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cùng với kiến thức từ cán bộ thú y, sau 5 năm, con bò đã giúp cuộc sống gia đình anh Tâm ổn định hơn trước rất nhiều. “Với lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, rơm, gạo, cám... và chi phí chuồng trại, thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng nên nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi” - anh Tâm chia sẻ.

Theo anh Tâm, bò là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị rủi ro, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Để vỗ béo con bò thành công, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là người nuôi phải chọn mua con giống khỏe mạnh, có chất lượng tốt, không có dịch bệnh. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để phòng, tránh bị nhiễm bệnh. Trước khi tiến hành vỗ béo, nhiều hộ nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng tạo cho không gian chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ, đó cũng là một trong những điều kiện giúp bò tăng trọng nhanh. Trong quá trình nuôi phải tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh cho bò, đặc biệt là vaccine phòng ngừa tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo đúng lịch khuyến cáo từ ngành thú y…

Hiện nay, giá bán bò thịt luôn ổn định nên người chăn nuôi rất yên tâm. “Hiện tại, trong chuồng của gia đình luôn duy trì khoảng 10 con bò. Sau khi nuôi từ 10-13 tháng có thể cho xuất chuồng. Tùy thời điểm và giá cả thị trường, mỗi con bò có thể thu lợi nhuận từ 9-13 triệu đồng, thu nhập của gia đình vì thế cũng khá hơn. So với nuôi heo, nuôi bò nông dân không sợ thua lỗ; nếu giá thấp, có thể giữ lại khoảng 1 tháng rồi bán” - anh Tâm cho biết. Hiện nay, bò tơ cung cấp cho bà con chủ yếu là bò có nguồn gốc từ Campuchia, giá bán dao động từ 11-15 triệu đồng/con. Giống bò này nuôi trong thời gian 12 tháng là có thể xuất bán, bình quân mỗi con thu lợi nhuận từ 13-15 triệu đồng.

Nuôi bò không khó, có thể tận dụng nguồn thức ăn phong phú, có sẵn trong tự nhiên; thị trường tiêu thụ rộng lớn nên mô hình được đánh giá khá cao. Ngoài hiệu quả về kinh tế, phế phẩm từ bò còn phục vụ đắc lực cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phân bò được tận dụng để làm biogas phục vụ sinh hoạt hàng ngày; nuôi trùng; làm phân bón cho cây trồng hoặc có thể bán lại để nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

ĐÌNH ĐỨC