Nuôi dúi sinh sản

16/09/2022 - 07:00

 - Sau thời gian nuôi thử nghiệm, từ vài cặp giống ban đầu, anh Phạm Văn Bào (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) phát triển lên đến 50 con dúi. Mô hình này giúp gia đình anh Bào tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhẹ công chăm sóc

Mỗi khi rảnh rỗi, anh Phạm Văn Bào lại “lang thang” trên các website, mạng xã hội, tìm kiếm mô hình làm ăn hiệu quả để áp dụng cho bản thân. Sau thời gian tìm hiểu, thấy kỹ thuật nuôi dúi không quá khó, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, anh Bào mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi.

Là người đầu tiên nuôi loại động vật này ở địa phương, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, anh Bào phải tự tìm tòi, học hỏi kiến thức, kỹ thuật nuôi trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ kiên trì và tích cực học hỏi, anh giúp đàn dúi sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển nhanh, số lượng năm sau nhiều hơn năm trước.

Dúi là loài động vật hoang dã, muốn phát triển trong môi trường nuôi nhốt cần nắm chắc tập tính, thói quen mới có thể chăn nuôi thuận lợi. Anh Bào cho biết, quy trình nuôi loài động vật hoang dã này không đơn giản, nhưng cũng không quá khó. Chuồng nuôi phải thoáng mát, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào, được bố trí nơi ít tiếng động. Trong chuồng, anh dùng gạch men ghép lại thành ô nhỏ, hình vuông, cạnh khoảng 60cm xếp sát nhau. Việc sử dụng gạch men giúp chuồng được chắc chắn, tránh bò ra ngoài.

Nuôi dúi đã giúp gia đình anh Bào tăng thu nhập

Thức ăn cho dúi cũng đơn giản, dễ tìm kiếm ở địa phương, như: Tre, mía, bắp, khoai lang… chi phí hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, cần đảm bảo nguồn thức ăn sạch, khô ráo, không ẩm mốc, hôi thối… để phòng ngừa dúi mắc bệnh về đường ruột. Dù có nhiều ưu điểm trong việc chăm sóc, nhưng theo anh Bào, loài động vật này không chịu được môi trường nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, cần làm mát chuồng bằng phun sương hoặc sử dụng quạt máy.

Dúi nuôi khoảng 8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Loài gặm nhấm này sinh sản mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1-4 con. Sau khi sinh khoảng 1,5 tháng, có thể tách ăn riêng, 3 tháng sau có thể bán con giống, trọng lượng đạt từ 300-400gr. “Trong giai đoạn dúi nuôi con, tránh cho người lạ tiếp xúc gần khu vực chuồng nuôi. Nếu ngửi thấy mùi lạ, dúi mẹ có thể cắn chết con, ảnh hưởng đến số lượng đàn vật nuôi” - anh Bào nhấn mạnh.

Thu nhập ổn định

Sau 3 năm triển khai, loại vật nuôi này mang lại nguồn thu nhập khá cao, ổn định hơn so với nhiều loại khác. Hiện nay, anh Bào duy trì số lượng dúi trong chuồng từ 30-50 con. Mỗi tháng, anh bán khoảng 5 cặp giống, giá 1,5 triệu đồng/cặp, mang về thu nhập hơn 7 triệu đồng.

“Nhu cầu con giống hiện nay trên thị trường khá cao, số lượng không đủ cung ứng. Ngoài bán con giống, những con dúi không đạt tiêu chuẩn sẽ được bán cho người dân địa phương làm thương phẩm, giá khoảng 500.000 đồng/kg” - anh Bào chia sẻ.

Thành công bước đầu từ mô hình nuôi dúi của anh Bào không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Bào còn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho hộ có nhu cầu. Thời gian tới, anh dự định mở rộng diện tích, xây dựng chuồng nuôi bài bản, khoa học để phát triển mô hình nuôi động vật giàu tiềm năng này. 

Bí thư Đoàn thị trấn Ba Chúc Trần Thị Mỹ Hân đánh giá, mô hình nuôi dúi của anh Bào mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ con giống, được anh Bào nhiệt tình hướng dẫn. Thời gian tới, Đoàn thanh niên thị trấn Ba Chúc sẽ nhân rộng mô hình này, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Dúi có 4 loài khác nhau, như: Dúi nâu, dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng. Đây loại động vật thuộc phân họ gặm nhấm và thuộc lớp thú; ngoại hình khá giống chuột. Thịt dúi là một trong những món ăn đặc sản, chứa nhiều dinh dưỡng, lạ miệng, thu hút thực khách.

ĐỨC TOÀN