Phái nữ học lái xe

12/01/2024 - 06:26

 - Ngày nay, đời sống xã hội phát triển, nhu cầu học lái xe ôtô đối với “phái đẹp” trở nên phổ biến. Khi thực hành, nhiều chị em tự tin đánh vô lăng cực “nét”, thậm chí còn giỏi hơn nam.

Vừa nhận bằng lái (giấy phép lái xe) xong, chị Bùi Thị Thắm vẫn còn dư âm bồn chồn, lo lắng. Học lái xe ôtô không dễ. Chỉ trong thời gian khá ngắn, người học phải nhanh chóng “nhồi nhét” tất cả kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, mô phỏng, sa hình, chạy đường trường, bước vào kỳ thi lắm cam go.

Chị Thắm tham gia khóa học 6 tháng ròng rã. Chị là giáo viên, phải sắp xếp thời gian hợp lý để được học tập vào ngày làm việc. Thi thoảng, bận giảng dạy thì chị chuyển sang học cuối tuần. “Gia đình mới mua xe hơi, chủ yếu do chồng tôi lái. Tuy nhiên, tôi khó chủ động khi chồng đi công tác xa. Có xe mà không biết lái cũng buồn. Được chồng động viên, cộng với đam mê lái xe, tôi mạnh dạn đóng học phí, đăng ký học bằng B2” - chị bộc bạch.

Hơn 5 tuần học 600 câu hỏi lý thuyết trên lớp, chị bắt đầu học lái mô phỏng. Đây là phần được xem là khó nhất. Nếu không “khổ luyện”, người học dễ trượt từ vòng đầu. Nhiều tình huống “hóc búa” đòi hỏi học viên phải căng mắt chú ý. Muốn vượt qua “ải” này, học viên phải siêng thực hành phần mô phỏng nhiều lần, tự tóm gọn “mẹo” trong từng tình huống. “Ngày nào rảnh, tôi tranh thủ mở máy vi tính lên học. Vậy mà, cứ sai hoài. Phải chịu khó nhớ thì mới không bị “điểm liệt” (dưới 35 điểm)” - chị Thắm chia sẻ.

Nếu như học viên đăng ký khóa học lấy bằng B1 (lái xe số tự động) rất dễ, thì học B2 (lái xe số sàn) được xem là thử thách đối với phái nữ. Tâm lý đầu tiên lên xe, phụ nữ thường “tái mặt” do phải điều khiển ly hợp (côn) nằm phía chân trái. Mỗi lần khởi động, gài số xe, người lái nhấc “chân côn” quá gấp, máy sẽ tắt đột ngột. Trong quá trình lưu thông trên đường, đòi hỏi người lái phải phối hợp nhịp nhàng giữa chân côn, chân thắng và cần số… Ôi thôi, bấy nhiêu đó cũng đủ để các chị nơm nớp lo sợ.

Những ngày đầu làm quen với xe, học viên được lái lòng vòng trong sa hình trung tâm. Phần sa hình, ai cũng lái được, nhưng nỗi ám ảnh nhất là lúc qua cầu, xe dừng đột ngột. Hầu hết học viên đều bị tắt máy, tuột dốc do nhấc chân côn quá nhanh. “Tập hoài nhiều lần mà xe tôi vẫn bị tắt máy. Phần dừng tại dốc cầu là phần chạy khó nhất. Nhiều người bị rớt trực tiếp tại cây cầu trong phần thi sa hình” - chị Nguyễn Thị Bích Thủy cười khúc khích.

Sau thời gian tích cực tập luyện, phái nữ đã điều khiển “nhuyễn nhừ” chân côn, thành công lái xe leo dốc không bị tắt máy đột ngột như lúc ban đầu. Nhiều chị còn truyền kinh nghiệm “nhả” chân côn cho phái nam. Đến phần học lái đường trường, học viên nào cũng lái thành thạo. Để đủ điều kiện thi tốt nghiệp, học viên phải tập lái đường trường 800km. “Vòng thi này khá dễ, chị em chúng tôi đa số vượt qua, đạt điểm cao. Khi đậu tốt nghiệp, chúng tôi thuê xe tập chạy hơn 3,5 giờ trong sa hình, rồi mới được dự thi sát hạch” - chị Chúc bộc bạch.

Tất cả nội dung thi đều được chấm điểm bằng máy tự động, có camera giám sát “nhất cử, nhất động” của học viên. Do đó, học viên phải điều khiển tay lái rất thận trọng. Bởi lẽ, mỗi lần lái sai sẽ bị trừ 5 điểm, qua cầu tuột dốc quá 0,5m sẽ bị rớt trực tiếp, bánh xe lái ngoài “cặp đũa” cũng bị rớt trực tiếp… Phần thi sát hạch 4 nội dung, gồm: lý thuyết (nội dung trong 600 câu hỏi), mô phỏng (nội dung trong 120 câu), sa hình, đường trường. Trong 4 nội dung này, học viên sợ nhất phần thi mô phỏng, với 10 tình huống (mỗi tình huống 5 điểm). Phần thi quy định “điểm liệt” dưới 35 điểm, tất cả đều do máy chấm tự động.

Khi đề cập đến phái nữ tham gia học tập lái xe ôtô, thầy Kiên (một giảng viên lâu năm) nói rằng, chưa bao giờ thấy họ thi trượt. Còn phái nam thì rớt như “sung rụng”, do chủ quan, lơ là, không chịu khó học tập. “Có đôi vợ chồng ở huyện Thoại Sơn học lái xe chung đợt. Quá trình học, người chồng chủ quan, thi trượt. Còn người vợ đậu điểm cao, lấy bằng trước chồng mình. Mới tập lái, phụ nữ tiếp cận chậm hơn nam, nhưng khi “nhuyễn” rồi, họ lái rất cẩn thận, xử lý tình huống đường trường chắc tay” - thầy Kiên cho hay.

Giờ đây, hình ảnh “phái đẹp” lái xe thênh thang trên đường phố, trông rất “ngầu” và cá tính. Chiếc “xế hộp” đối với “bóng hồng” như bạn đồng hành ngao du khắp nơi, giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng sau chuỗi ngày lo toan.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải An Giang Khưu Phong Nhã cho hay, năm 2023, trung tâm đào tạo 6.190 học viên lái xe ôtô, trong đó số lượng học viên nữ chiếm tỷ lệ cao. Những năm qua, trung tâm đầu tư phương tiện, đầy đủ các hạng xe. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, đáp ứng chuyên môn, nhiệt tình hướng dẫn học viên, thuê giờ ôn luyện và cấp phát giấy phép lái xe theo quy định. Tất cả phương tiện, trang thiết bị chấm điểm tự động, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng của học viên.

LƯU MỸ