Phấn khởi vì giá cá chợ ở mức cao

11/01/2023 - 05:43

Hiện nay, giá các mặt hàng cá chợ, như: Cá lóc, cá rô, điêu hồng, cá chốt... đều ở mức cao, thương lái lẫn ngư dân đều phấn khởi.

Thương lái đến tận bè thu mua cá điêu hồng

Giá bán tăng

Đi đầu trong các mặt hàng cá chợ, trước hết phải kể đến cá lóc, cá bông. Đây là những loài cá có số lượng tiêu thụ cao (từ chợ đầu mối đến chợ làng, chợ xã). Cá lóc thịt trắng, ăn rất thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn từ dân dã (nướng, hấp, chiên, kho…) đến các loại món cao cấp, như: Cà ri cá, cà tợp, cá lóc chiên bột… Người xưa thường áp dụng các bài thuốc, món ăn dân gian để giúp người bệnh mau khỏe, trong đó có món cháo cá lóc. Từ tính dân dụng, phổ biến đó, cá lóc là mặt hàng được tiêu thụ với số lượng rất lớn trong các loài cá nuôi ở lưu vực sông MeKong.

Tại An Giang (thủ phủ của cá tra), nếu mặt hàng cá tra được ngư dân nuôi để xuất khẩu thì mặt hàng cá lóc, ngoài bán ở thị trường nội địa, còn được thương lái xuất mạnh sang thị trường Campuchia. “Hơn 10 năm qua, khi Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) bị bồi lắng, nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt, thương lái nước này sang Việt Nam mua cá lóc mang về bán rất nhiều. Doanh nghiệp Campuchia liên kết với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng cá lóc, liên kết với ngư dân các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp nuôi để xuất sang Campuchia, nhờ đó mà ngư dân có đời sống ổn định” - bà Lê Thị Băng Tâm (đầu mối thu mua cá lóc tại An Giang) chia sẻ.

Cá lóc, ngoài chế biến các món ăn, còn dùng để làm khô cá. Đây là món đặc sản của người dân miền Tây, được người tiêu dùng biết đến qua các cuộc thi ẩm thực “món ăn dân dã, sông nước miệt vườn”. Hiện, giá cá lóc bán tới tay người tiêu dùng dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 57.000 đồng/kg. Với mức giá này, ngư dân lẫn thương lái đều có lời.

Đầu ra rộng mở

“Năm nay, cá lóc nói riêng, các mặt hàng cá chợ nói chung về chợ đầu mối giảm mạnh. Nguyên nhân người nuôi không còn nhiều. Dịch bệnh COVID-19 (năm 2020, 2021), cá nuôi không bán được, ngư dân thua lỗ liên tiếp, hết vốn dẫn đến không còn nuôi. Từ đó, giá cá lóc trong năm 2022 ở mức cao” - ông Lê Văn Tứ (chủ vựa cá ở chợ đầu mối thủy hải sản Long Xuyên) chia sẻ.

Ngoài mặt hàng cá lóc, các loài cá khác, như: Cá rô, điêu hồng, mè vinh, cá trắm cỏ, lăng nha, cá chốt, cá dứa... đều có mức giá cao so với trước. Hiện, cá điêu hồng tới tay người tiêu dùng tại chợ Tân Châu ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg. Với mức giá này, ngư dân lãi 5.000 đồng/kg, thương lái lãi 2.000 - 3.000 đồng/kg, tất cả đều phấn khởi. “Kinh nghiệm cho thấy, năm nào ngư dân thua lỗ nặng thì năm tiếp theo, cá lại có giá vì không còn ai nuôi. Năm nào ngư dân trúng mùa, trúng giá thì năm kế tiếp, giá sẽ rớt vì nguồn cung quá nhiều. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không điều tiết được cung - cầu để ngư dân, thương lái phát triển mang tính bền vững” - ông Lê Văn Tứ nêu vấn đề.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, mỗi ngành hàng, mặt hàng, ngành nông nghiệp đều có quy hoạch. Cụ thể, mặt hàng lúa gạo, cá tra, rau màu, quy hoạch phát triển đều được xây dựng dựa trên tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Từ đó, tùy tình hình thực tế, trong mỗi giai đoạn điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Quy hoạch là có, nhưng quản lý quy hoạch là chuyện không dễ, bởi tính tuân thủ, tinh thần thượng tôn pháp luật của người làm ngành hàng là chuyện phải bàn. Ông Nguyễn Sĩ Lâm lấy thí dụ, đối với mặt hàng cá tra, cả vùng ĐBSCL thả nuôi 6.125ha, trong đó An Giang thả nuôi 1.300ha. Sản lượng mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 1,2 - 1,4 triệu tấn. Năm 2018, cá tra có giá lên đến 36.000 đồng/kg, năm 2019 ngư dân đồng bằng “đua” nhau nuôi. Những năm sau đó, có thời điểm giá cá tra rớt xuống chỉ còn 23.000 - 25.000 đồng/kg (giá bán bằng với giá thành sản xuất) bởi nguồn cung quá nhiều.

Thói quen, “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nông dân. Khi mặt hàng nào có giá, nông dân đổ xô nhau trồng hoặc nuôi, từ đó xảy ra tình trạng “cung cầu bất nhất”. Tại An Giang, 3 mặt hàng luôn bị phá vỡ quy hoạch là cá tra, lúa, xoài. Đó là các mặt hàng xuất khẩu. Còn những mặt hàng tiêu thụ ở thị trường nội địa, như: Cá điêu hồng, rô phi, cá lóc, cá trê, ngư dân tự phát rất nhiều.

Như vậy, nếu cứ để cho nông dân nuôi trồng mang tính tự phát thì vai trò của ngành nông nghiệp ở đâu? Đây là vấn đề được tiếp tục đặt ra trong năm 2023 để từ thực tế này, ngành nông nghiệp tiếp tục đưa ra giải pháp giải quyết. Bên cạnh đó, nông dân cần nỗ lực hợp tác với nhà nước trong thực hiện quy hoạch, phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi một khi phá vỡ quy hoạch thì nguy cơ sẽ xảy ra, nuôi nhiều, trồng nhiều sẽ bán ế.

“Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, biên giới Việt Nam - Campuchia mở cửa trở lại, rất nhiều thương nhân từ Campuchia sang Việt Nam mua cá mang về bán. Đầu ra tốt, nhờ đó các mặt hàng cá lóc, cá rô, điêu hồng, cá trê... đồng loạt tăng giá. Nông dân và thương lái đều phấn khởi, bởi ai cũng có lời” - ông Trần Trọng Nam (thương lái bán cá ở thị trường Campuchia) phân tích.

MINH HIỂN