'Phao cứu sinh' giúp giảm nguy cơ đột quỵ não tái phát

24/03/2024 - 14:21

Sau cơn đột quỵ não, nguy cơ tái phát trong 5 năm đầu rất cao, lên tới 25%, thực hiện tốt nguyên tắc dự phòng giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não.

Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian nằm viện trung bình trong giai đoạn cấp của bệnh nhân đột quỵ não là từ 4 ngày (thiếu máu cục bộ) và 7 ngày (chảy máu não).

Những người sống sót sau đột quỵ thường được chuyển từ chăm sóc cấp tính đến một cơ sở phục hồi chức năng nội trú, cơ sở điều dưỡng lành nghề hoặc bệnh viện chăm sóc sau giai đoạn cấp dài hạn.

Tuy nhiên, nhà là nơi tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ não trong tiến trình phục hồi. Thời gian tốt nhất để phục hồi sau đột quỵ não là trong một vài tháng đầu tiên.

Bệnh nhân sẽ dần ổn định sau 3 đến 6 tháng và tỷ lệ nhỏ trường hợp vẫn có cơ hội phục hồi trong một đến hai năm tiếp theo. Phục hồi sau đột quỵ não là quá trình cần phải kiên trì và tập luyện liên tục.

PGS.TS Mai Duy Tôn (đứng giữa) thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. 

Chuyên gia cũng cho biết, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều này có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, thì sẽ có 25 trường hợp bị tái phát, chủ yếu tái phát trong giai đoạn sớm: 10% trong tuần đầu, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng.

Việc điều trị dự phòng giống như “phao cứu sinh” giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ, lên tới 80%.

Tập thể dục, chơi thể thao

Tập thể dục là một phần quan trọng của phục hồi chức năng đột quỵ não. Người bệnh cần dành thời gian khởi động 5 – 10 phút (kể cả khởi động với các bài tập trên giường). Các môn thể thao phù hợp như đi bộ ngoài trời hoặc đi bộ trên máy, đạp xe tại chỗ, đi theo đường kẻ vạch có sẵn hoặc đi cầu thang.

Tần suất tập luyện tối thiểu 3 lần/tuần (tốt nhất là hầu hết các ngày trong tuần). Về cường độ, nếu tính theo thang điểm 10 thì người bệnh nên tập ở mức độ 4 – 5. Thời gian lý tưởng cho mỗi lần luyện tập là 20 – 30 phút.

Sử dụng thực phẩm lành mạnh

Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị chế độ ăn đối với người bệnh sau điều trị đột quỵ não, đó là tăng cường chế độ ăn nhiều rau và trái cây, chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ, giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ, ăn cá ít nhất 2 lần/tuần (bạn nên chọn cá giàu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ).

Tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường, chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị không có muối hoặc hạn chế muối.

Bạn cũng nên học cách đọc nhãn thực phẩm, điều này giúp bạn chọn các mặt hàng có ít hơn 140mg natri mỗi khẩu phần.

Bạn cần hạn chế rượu bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não (ví dụ như warfarin). Lạm dụng rượu bia sẽ gây tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát.

PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo, sau đột quỵ não, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc tập trung hay thực hiện các hoạt động thể chất.

Người bệnh nên bắt đầu trở lại với công việc bằng việc làm bán thời gian, sau đó xem xét hiệu quả công việc để quyết định. Người bệnh chính là người đánh giá tốt nhất về việc có nên quay lại làm việc hay không (trừ khi họ bị suy giảm nhận thức và tàn tật nặng).

Theo NHƯ LOAN (VTC News)