Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp các sở, ngành và các địa phương duy trì tốt việc tổ chức giải võ thuật cấp tỉnh, với quy mô và chất lượng chuyên môn được nâng cao. Qua đó, tạo điều kiện tốt để các bộ môn võ thuật tuyển chọn những nhân tố triển vọng, bổ sung vào đội năng khiếu.
Bên cạnh phát triển phong trào, ngành thể thao An Giang có những định hướng, chiến lược phát triển các môn võ thuật, tùy theo điều kiện thực tiễn của từng bộ môn. Đặc biệt, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV trẻ được chú trọng, nhằm bổ sung lực lượng VĐV chất lượng và có chiều sâu chuyên môn.
Với những định hướng, chiến lược phát triển theo điều kiện thực tiễn, các môn võ thuật của tỉnh tiến bộ vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Nổi bật nhất là thành tích tại SEA Games 32, khi tất cả các VĐV võ thuật của thể thao An Giang tham gia đều đoạt huy chương, với 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng ở các môn: Taekwondo, Pencak Silat, Arnis, Kun Bokator.
Trong đó, Taekwondo là môn võ thuật thành công nhất của thể thao An Giang tại SEA Games 32, khi đoạt 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Các VĐV đoạt huy chương vàng, gồm: Nguyễn Thị Tuyết Mai (Kun Bokator); Hứa Văn Huy, Nguyễn Trọng Phúc (Taekwondo).
Trong khi đó, Nguyễn Thị Cẩm Nhi đoạt huy chương bạc môn Pencak Silat, Lê Trần Kim Uyên đoạt huy chương bạc môn Taekwondo; Đinh Phúc An, Nguyễn Thị Yến Linh đoạt 2 huy chương đồng môn Arnis. Ngoài ra, Lê Trần Kim Uyên, Hứa Văn Huy còn mang về 2 huy chương đồng môn Taekwondo.
Hiện nay, hầu hết lực lượng các môn võ thuật của tỉnh, như: Taekwondo, Boxing, Vovivam, võ cổ truyền, Wushu, Pencak Silat, Karatedo, Kick-boxing… đều còn rất trẻ, với nhiều VĐV năng khiếu mới được tuyển chọn.
Tiêu biểu, như: Huỳnh Thị Kim Vàng (Kick-boxing), Nguyễn Thị Cẩm Nhi, Đinh Phúc An, Nguyễn Thị Yến Linh (Pencak Silat); Nguyễn Trọng Phúc, Lê Trần Kim Uyên, Hứa Văn Huy (Taekwondo); Trần Thị Mỹ Hạnh, Lưu Thị Phương Thảo (võ cổ truyền); Nguyễn Thị Kim Sang (Boxing); Trần Cẩm Nhung (Wushu)…
Đặc biệt, bên cạnh những nội dung thế mạnh về đối kháng, các môn võ thuật, như: Wushu, võ cổ truyền, Vovinam… còn chú trọng đào tạo các nội dung thi quyền và bước đầu đạt những thành tích đáng ghi nhận.
Thời gian tới, ngành thể thao tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện. Các bộ môn võ thuật tập trung đổi mới phương pháp huấn luyện, nhằm nâng cao thể lực, kỹ thuật và chiến thuật cho VĐV một cách khoa học...
Đặc biệt, chú trọng đổi mới công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu, với các tiêu chuẩn tuyển chọn khoa học, góp phần xây dựng lực lượng VĐV trẻ có chiều sâu và chất lượng chuyên môn cao. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho VĐV tập huấn, thi đấu giao hữu cọ xát ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn bị lực lượng tốt nhất để tham dự các giải đấu lớn trong năm 2023.
Bên cạnh tập trung đầu tư, đào tạo các VĐV trọng điểm, chú trọng những môn thể thao Asiad, Olympic, ngành thể thao tỉnh luôn quan tâm duy trì, phát triển các môn truyền thống - đó là võ thuật. Bởi, võ thuật từ lâu được xem là “mỏ vàng” của thể thao An Giang tại các giải thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. |
KHÁNH MY