Phát huy vai trò chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp

10/07/2023 - 06:56

 - Hội nông dân các cấp trên địa bàn TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) tích cực hỗ trợ nông dân thông qua hoạt động của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trong đó, nổi bật là hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất.

Hội Nông dân các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đường thốt nốt

Những năm qua, Hội Nông dân phường Nhơn Hưng đã tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là hoạt động của Chi hội làm đường thốt nốt Nhơn Hưng. Đây là ngành nghề sản xuất truyền thống, được đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tại địa phương duy trì qua nhiều thế hệ.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Hưng Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: “Chi hội làm đường thốt nốt Nhơn Hưng được thành lập năm 2021, gồm 52 hội viên chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer. Tất cả thành viên tham gia chi hội đều được tập huấn kỹ thuật làm đường thốt nốt theo chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi hội được thành lập dựa trên sự kế thừa từ dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” do Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Châu Á (AsiaDHRRA) tài trợ. Hiện nay, chi hội được trang bị 10 máy đánh đường trị giá 42 triệu đồng và 35 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ vốn để các thành viên mở rộng sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, chi hội được thành lập và hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tập trung dân chủ. Mỗi tháng, chi hội họp mặt 1 lần nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Hiện nay, các thành viên trong chi hội chủ yếu nấu đường và liên kết tiêu thụ với các cơ sở sản xuất đường thốt nốt tại địa phương, như: Thu Hồng, Từ Ngọc Trang, Lan Nhi... Nhờ đó, thu nhập của các thành viên được cải thiện đáng kể.

“Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân phường, chi hội sản xuất đường thốt nốt phát triển tương đối ổn định, góp phần gìn giữ được nghề nghiệp truyền thống tại địa phương. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng đường về màu sắc lẫn mùi vị, nâng cao giá trị sản phẩm so với sản xuất thủ công trước đây. Với giá bán khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, mỗi thành viên chi hội thu được 200.000 - 250.000 đồng/ngày, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS Khmer tại địa phương” - ông Nguyễn Ngọc Thạch cho hay.

Cũng trên tinh thần phát huy vai trò các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân phường An Phú cũng thành lập các chi, tổ hội nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng dưa lưới và rau thủy canh theo công nghệ Israel; các mô hình vườn ứng dụng hệ thống tưới công nghệ cao trên cây nhãn, mãng cầu ta, đinh lăng, xoài, hồng quân…

“Từ quá trình vận động của Hội Nông dân phường, địa phương hiện có 3 chi hội làm vườn công nghệ cao, 6 tổ hội nghề nghiệp về phun xịt xoài và xử lý giống, quản lý dịch bệnh trên cây ăn trái, 1 câu lạc bộ nông dân giỏi đang hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng tôi còn hướng dẫn nông dân tổ chức hùn vốn giữa các thành viên trong chi hội nhằm hỗ trợ sản xuất xoay vòng, tạo điều kiện để thành viên mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập” - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Phú Nguyễn Văn Nhạc thông tin.

Để hỗ trợ các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, Hội Nông dân phường An Phú đã chủ động đề xuất Hội Nông dân thị xã giới thiệu tiếp cận vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, giúp 10 hộ trong chi hội nghề nghiệp trồng xoài vay 570 triệu đồng để mua phân bón, thuốc xử lý, phun xịt. Kết quả, các hộ vay vốn đã mở rộng sản xuất với lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng/vụ.

“Chúng tôi đã tổ chức tổng kết mô hình, cũng như giới thiệu thêm dự án mới và đề xuất Hội Nông dân thị xã, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 10 hộ với số tiền 600 triệu đồng. Bên cạnh, còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất - kinh doanh. Hiện, Hội Nông dân phường đang quản lý 5 tổ tiết kiệm vay vốn với 277 hộ tham gia, giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Nhiều hộ nhờ đầu tư đúng hướng đã thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp” - ông Nhạc cho biết thêm.

Thời gian tới, Hội Nông dân phường An Phú, phường Nhơn Hưng tiếp tục củng cố hoạt động của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hướng đến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm mở rộng sản xuất và khả năng tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tịnh Biên Trần Phước Hiểu cho hay: “Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 34-NQ/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, nhằm phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách bền vững, mang đến lợi ích thiết thực cho nông dân”.

MINH QUÂN