Phát huy vai trò người có uy tín

20/08/2019 - 05:38

 - Nhờ sự đóng góp của những người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước…mà giờ đây đời sống của người dân ở Tri Tôn đã có nhiều thay đổi. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Những người có uy tín có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Những năm qua, bằng uy tín của mình, người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện Tri Tôn đã đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các  cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới…

Là người có uy tín với bà con đồng bào DTTS Khmer xã Cô Tô (Tri Tôn), Tà cha trưởng chùa ChiTaMung Chau Om thấu hiểu được những khó khăn của bà con địa phương, từ đời sống sinh hoạt cho đến lao động sản xuất. Vì thế, trong thời gian qua, Tà cha trưởng Chau Om đã chủ động phối hợp Ban Quản trị nhà chùa, tập thể Ban công tác mặt trận ấp, đoàn thể của xã tổ chức vận động bà con trong và ngoài ấp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho người dân. Ông đã vận động rải 250m3 đá bụi trên tuyến đê bao dài 3.000km, với tổng kinh phí 37,5 triệu đồng (100% do nhân dân đóng góp); cất mới 1 cây cầu qua kênh Ninh Phước (ấp Tô An) kinh phí gần 66 triệu đồng; nâng cấp đường lộ trong phum sóc, xây bờ kè, rải đá bụi với chiều dài trên 400m, rộng 3m với tổng kinh phí 120 triệu đồng.

Ngoài ra, Tà cha trưởng Chau Om còn vận động bà con phật tử trong ấp đóng góp ngày công, tiền bạc xây dựng 1 phòng học dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc trong dịp hè với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Phối hợp vận động nhân dân đóng góp trên 1.000 phần quà cho cho hộ nghèo; vận động hỗ trợ tập, viết, dụng cụ học tập và xe đạp cho học sinh; vận động bà con trong ấp làm cột cờ hàng rào xung quanh nhà, cải tạo vườn tạp…Từ đó, khơi dậy ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, tạo cảnh quan sạch đẹp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tương tự, ông Chau Sóc Sa, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ô Lâm còn được biết đến như một người luôn đi đầu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, ông còn tích cực xây dựng gia đình văn hóa và giữ gìn phong tục, tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để bà con học tập và noi theo. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, đóng góp, xây dựng các công trình trên địa bàn xã với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như: công trình xây dựng cầu nông thôn, vận động tham gia các công trình chỉnh trang bộ mặt nông thôn, chỉnh trang đô thị… “Tôi thật sự vui mừng khi được đóng góp một phần nhỏ trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện nay, đời sống người dân dần dần được ổn định; trường học ngày càng khang trang, sạch đẹp; các khu di tích lịch sử cách mạng được chỉnh trang, bảo tồn; ngành nghề truyền thống được khôi phục, khuyến khích người dân vừa sản xuất, vừa tạo tiền đề để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”- Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ô Lâm Chau Sóc Sa chia sẻ.

Cũng như nhiều địa phương khác của huyện Tri Tôn, Núi Tô là xã có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76% số dân toàn xã, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao… Nắm bắt được tình hình trên, Tà cha Trưởng chùa núi Tà Pạ Chau Sưng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã luôn cố gắng thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, bản thân ông đã phối hợp với Ban quản lý nhà chùa cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân địa phương quyên góp tiền của, công sức xây dựng được 7 con đường nông thôn tại địa bàn với tổng chiều dài trên 3.000m, tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng. Qua đó, góp phần chỉnh trang và cải thiện môi trường trong phum, sóc; làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Bên cạnh đó, bản thân còn phối hợp các ngành chức năng thường xuyên vận động bà con làm hàng rào bằng cây xanh, treo ảnh Bác, thay đổi cờ cũ phai màu bằng cờ mới, từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

“Nhằm thực hiện tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương, tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các chùa Nam tông Khmer, các Ban Quản trị Tà cha, các ấp và đoàn thể xã tiếp tục vận động đồng bào dân tộc giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang phum sóc, xây dựng con đường khang trang hơn, tổ chức thực hiện các đoạn đường, lộ nông thôn phù hợp với nhu cầu nhân sinh. Đồng thời, tuyên truyền bà con trên địa bàn cùng ấp chung tay thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - Tà cha Trưởng chùa núi Tà Pạ Chau Sưng chia sẻ .

Từ những điển hình trên, có thể nói, người có uy tín giữ vị trí, vai trò hết sức to lớn, họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương.

ĐỨC TOÀN