Phát huy vai trò sư sãi, người có uy tín trong phòng, chống dịch

07/10/2021 - 06:16

 - Đối với địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống như huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) việc phát huy tốt vai trò các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy hiệu quả cao. Đó là một cách “dân vận khéo” nhằm xây dựng, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm tặng quà chùa Khmer dịp lễ Sene Dolta

Tuân thủ nghiêm quy định chống dịch

Sene Dolta là một trong những lễ lớn, quan trọng nhất của đồng bào DTTS Khmer. Thường vào lễ Sene Dolta, bà con Khmer như buông bỏ hết công việc, cùng tập trung về chùa, phum, sóc, gia đình để sum họp, vui chơi thoải mái liên tục 3 ngày.

Tuy nhiên, dịp lễ Sene Dolta năm nay rơi vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bà con Khmer chấp nhận bỏ bớt niềm vui riêng, cùng chung tay thực hiện nghiêm các quy định chống dịch. Các phật tử chia nhỏ nhiều khoảng thời gian lên chùa Khmer để tránh tập trung đông người, vào chùa thắp nhang rồi về, không ăn uống đông vui tại chùa như trước. Ý thức trật tự này có vai trò đóng góp rất lớn của các sư sãi, à cha, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động.

Thời gian qua, đại đức Chau Sóc Chanh (Trụ trì chùa Nam Quy dưới, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) và Ban Nhân dân ấp Phnom Pi (xã Châu Lăng) đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, động viên các gia đình Khmer có hoàn cảnh khó khăn, có con đi làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không thể về quê. Ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, đại đức Chau Sóc Chanh đã kết hợp khuyên nhủ bà con chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; vận động các con, người thân đang làm ăn xa không tự ý trở về địa phương, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đại đức Chau Sóc Chanh không quên nhắc bà con Khmer tổ chức lễ Sene Dolta gọn nhẹ trong từng gia đình, không tập trung đông người ăn uống ở chùa cũng như ở nhà.

Được tuyên truyền, vận động, gia đình ông Chau Si Na (ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng) hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. “Nhà có 2 đứa con gái và 2 con rể đang làm công nhân ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Mấy tháng nay, do dịch bệnh COVID-19, công ty phải tạm ngừng hoạt động, các con không có thu nhập nên muốn về quê tránh dịch và sum họp cùng gia đình đón lễ Dolta. Mặc dù rất nhớ và mong muốn các con được về quê nhưng sau khi nghe đại đức Chau Sóc Chanh và địa phương giải thích, tôi đã gọi điện thoại cho các con, động viên không nên về quê lúc này” - ông Chau Si Na bộc bạch.

Tin tưởng vào chính quyền

Chủ tịch UBMTTQVN xã Châu Lăng Chau Kim Sêng cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xã Châu Lăng đã tranh thủ sự ủng hộ của các vị sư trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn, những người có uy tín trong đồng bào DTTS Khmer để thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn dịp lễ Sene Dolta.

UBMTTQVN xã Châu Lăng thường xuyên vận động các nguồn hỗ trợ, tài trợ để kịp thời chia sẻ cho bà con nhân dân trên địa bàn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có con đi làm ăn xa nhưng thất nghiệp để bà con an tâm, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương và toàn dân phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng Công an huyện Tri Tôn cho biết, Tri Tôn là huyện miền núi, có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Do thiếu việc làm tại chỗ nên phần lớn người dân trong độ tuổi lao động rời quê lên TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... tìm việc. Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở các địa phương này ngưng hoạt động, nhiều người thất nghiệp, đời sống nơi đất khách khó khăn nên luôn có mong muốn được trở về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Tuy nhiên, ngoài những người đã về đến quê, để tránh nguy cơ lây lan dịch thì nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” được xem là phù hợp thời điểm này. Thấu hiểu và chia sẻ với người dân, lãnh đạo Công an huyện Tri Tôn đã phân công cán bộ, chiến sĩ cùng công an các xã, thị trấn chủ động xuống tận các phum, sóc, phối hợp người có uy tín kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, nhất là các gia đình DTTS Khmer có con đi làm ăn xa, giúp bà con an tâm, tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được chính quyền các cấp khuyến cáo.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, thời gian qua, các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; trực tiếp tham gia hỗ trợ suất ăn, tặng khẩu trang, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác và sinh hoạt hàng ngày của các tổ, chốt phòng, chống dịch…

Các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc còn tham gia cùng UBMTTQVN các cấp và chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, vận động hàng chục ngàn phần quà để giúp đỡ các gia đình khó khăn; tích cực tham gia các mô hình hiệu quả, như: “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”… Từ đó, góp phần củng cố niềm tin, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến xây dựng cuộc sống bình thường mới cho người dân, doanh nghiệp.

Khi đến thăm hỏi, tặng quà các chùa Khmer dịp lễ Sene Dolta, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm kết hợp đề nghị sư cả tuyên truyền, nhắc nhở bà con phật tử phân chia khung thời gian đến cúng viếng chùa, tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, không tập trung đông người cùng một lúc và không tổ chức ăn uống trong chùa. Điều này được các chùa Khmer trên địa bàn huyện thực hiện tốt.

NGÔ CHUẨN