Phát triển công nghiệp chế biến nông sản

27/02/2020 - 08:23

 - Thông qua chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư

Sau khi được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc An Giang (thành viên Tập đoàn Tân Long) đã tập trung triển khai dự án “Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc”, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là nhà máy có công nghệ hiện đại với hệ thống si-lô tồn trữ lúa, gạo lên đến 240.000 tấn. Trước đó, Công ty Cổ phần Rau quả An Giang (Antesco) đã đầu tư hệ thống nhà máy chế biến rau quả hiện đại; các DN thủy sản đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong xu thế tái cơ cấu lại ngành công nghiệp của tỉnh, xuất hiện xu hướng ngày càng nhiều DN đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo hướng khép kín, công nghệ mới đồng bộ, có quy mô công suất lớn, máy móc thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến… Những nỗ lực này giúp gia tăng giá trị ngành công nghiệp chế biến, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan dây chuyền chế biến rau quả

Để đáp ứng nhu cầu triển khai dự án, mở rộng sản xuất của DN, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn An Giang từng bước được hoàn thiện hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy KCN Bình Long (Châu Phú) là 100%. Trong số 10 dự án đầu tư tại đây, có 9 dự án liên quan lĩnh vực chế biến thủy sản, bột cá, mỡ cá, thức ăn chăn nuôi, chế biến tinh bột và sản phẩm từ tinh bột khoai lang, chế biến rau quả đông lạnh xuất khẩu... Các dự án này đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.600 lao động. Đối với KCN Bình Hòa (Châu Thành), cơ bản được lấp đầy, giải quyết việc làm cho 10.970 lao động. Cùng với các KCN, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và tiến hành triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 200ha. Trong đó, một số cụm đã hoạt động, thu hút 24 dự án đầu tư (có 12 dự án đã đi vào hoạt động)...

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Là tỉnh nông nghiệp nên An Giang rất chú trọng đến ngành công nghiệp chế biến nông sản. Đây là lĩnh vực thế mạnh, chiếm trên 90% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,98% (giai đoạn 2011-2015 là 8,66%/năm). Toàn tỉnh hiện có trên 100 DN xay xát, lau bóng gạo, với tổng công suất trên 2 triệu tấn/năm; 17 DN với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm; hệ thống chế biến thức ăn chăn nuôi (gồm cả thức ăn thủy sản) với công suất trên 300.000 tấn/năm… Với quy mô hiện tại, các DN trên địa bàn tỉnh đạt năng lực xuất khẩu khoảng 150.000 tấn sản phẩm cá, 500.000 tấn gạo/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, quy định của tỉnh có liên quan tới đầu tư phát triển, điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho DN đầu tư. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. An Giang cũng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất và các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, cá, rau an toàn...), đảm bảo phát triển hài hòa, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông - lâm - thủy sản.

Những năm qua, An Giang vẫn duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành với DN, nhà đầu tư để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành. Từ đó, bảo đảm các dự án hoạt động hiệu quả, ưu tiên dự án phát triển xanh nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các DN về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Tỉnh đang xây dựng các chính sách đòn bẩy để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, rà soát quy hoạch, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế nhằm nâng cao tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025; tiếp tục hỗ trợ triển khai các cụm công nghiệp chuyên ngành. Cùng với đó, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định về thu hút đầu tư (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ), tạo động lực để DN mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản.

 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích