Phát triển thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

01/09/2020 - 05:30

 - Thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) giai đoạn 2015 -2020, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị và doanh nghiệp (DN) đã kịp thời lãnh, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của tỉnh, nên Cuộc vận động ngày càng được triển khai sâu rộng, mang lại kết quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm của tỉnh đến thị trường và người tiêu dùng

Cuộc vận động giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Đồng thời, giúp các DN đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, phát triển hệ thống phân phối bền vững. Đã xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép; tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người SXKD hàng Việt.

Sở Công thương An Giang chủ trì, phối hợp các sở, ngành thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động; thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước. Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sản phẩm, hàng hóa của các DN trong tỉnh; tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh xâm nhập vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Tạo điều kiện để DN thực hiện các chương trình khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa Việt Nam đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động như: tuyên truyền, thông tin quảng bá sản phẩm; rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng, hỗ trợ các DN trong hoạt động xúc tiến thương mại. Thanh, kiểm tra ngăn chặn hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn. Xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất-phân phối-tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cụ thể, đã xác nhận 22 chuỗi, với 27 sản phẩm đạt yêu cầu an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng đầu tư điều kiện và chương trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm cho 9 cơ sở, DN; phát triển vùng sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP 350ha và sản xuất rau an toàn 256ha tại huyện Chợ Mới. Xây dựng 4 chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp; thực hiện “Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020”. Hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển 10 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh. Đồng thời, xây dựng quảng bá hình ảnh, thương hiệu, liên kết sản xuất - tiêu thụ; truy xuất nguồn gốc điện tử; thúc đẩy mở rộng thị phần, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Sở Thông tin và Truyền thông, MTTQ, các đoàn thể... thường xuyên truyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ do các DN Việt Nam sản xuất.

Cuộc vận động đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đa số người dân. Đặc biệt, các DN quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược SXKD, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm; xây dựng điểm bán hàng Việt Nam ở cấp huyện đã giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân. Từ đó, giúp hàng hóa Việt Nam, của tỉnh đứng vững trên thị trường nội địa.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, hiệu quả Cuộc vận động góp phần thay đổi nhận thức người dân trước khi mua hàng, ý nghĩ đầu tiên là nghĩ đến hàng Việt, hình thành thói quen sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc qua các kênh phân phối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hơn, tạo niềm tin ở người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước. Cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

HẠNH CHÂU