Tại phiên chợ, siêu thị Tứ Sơn mang đến trên 4.000 mặt hàng của hơn 60 nhà sản xuất, nhà cung cấp với thương hiệu mạnh của Việt Nam. Dòng hàng hóa phong phú sẵn sàng phục vụ quý khách với nhiều kiểu dáng đa dạng, chất lượng được kiểm soát. Khách hàng mua sắm với hóa đơn 400.000 đồng được nhận ngay quà tặng. Ngoài ra, khách hàng còn được thưởng thức chương trình văn nghệ cổ động đầy náo nhiệt, hoàn toàn miễn phí và cùng nhau hát cổ động hàng Việt, ca ngợi quê hương, đất nước. 100% là hàng Việt, được kiểm soát chặt chẽ và thay đổi theo sự kiện nên lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.
Nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm An Giang, Tứ Sơn trình làng những dòng sản phẩm của 30 doanh nghiệp nổi tiếng ở An Giang có những nét đặc trưng vùng đất, con người An Giang xuyên suốt 10 năm đồng hành, có mặt tại Tứ Sơn. Qua đó, khẳng định cho người tiêu dùng thấy đất An Giang có những dòng sản phẩm mang tính chất đặc hữu, có sự khác biệt với vùng, miền khác.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp An Giang đã có mặt tại siêu thị Tứ Sơn 10 năm qua
Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp, tôn vinh các sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của tỉnh đã hình thành được nhiều dòng sản phẩm có thương hiệu, mang đến lợi ích cho doanh nghiệp tiềm năng”. Đồng hành cùng tỉnh giao thương xúc tiến hàng hóa từ Bắc chí Nam, là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn An Giang, ông Sơn muốn quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp của tỉnh, đã tích cực chủ động liên hệ, tìm tòi sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, đặc sản của tỉnh đưa vào hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, sản phẩm phải đủ các yếu tố pháp lý và có thương hiệu rõ ràng. 10 năm qua, bằng sự nỗ lực cộng hưởng, những dòng sản phẩm gần 30 doanh nghiệp của An Giang đã có mặt tại siêu thị Tứ Sơn với doanh số bán hàng khá tốt và đều tăng.
Nhiều dòng sản phẩm An Giang có mặt tại siêu thị mang sắc thái vùng, miền rất rõ nét, thu hút khách hàng từ yếu tố sản phẩm truyền thống với những “bí quyết” gia truyền. Đó là các doanh nghiệp: cơ sở rượu bò cạp Ba Noi - TP. Châu Đốc (rượu bò cạp), Cơ sở Như Bình - Châu Phú (vỏ bưởi sấy), DNTN Hương Sen - TP. Long Xuyên (nước tương), DNTN Thanh Liêm - TP. Long Xuyên (nước mắm), Công ty Antesco - TP. Long Xuyên (các sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương - Chợ Mới, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP XNK An Giang - Angimex - TP. Long Xuyên (gạo), Công ty TNHH SXTM Tiến Anh - Chợ Mới (bánh hạnh nhân), Cơ sở bánh Liên Phát - TP. Châu Đốc (bánh in), Cơ sở Phú Vinh (TP. Châu Đốc) khô bò, Cơ sở thạch dừa Mimosa - TP. Châu Đốc (thạch dừa), Công ty TNHH Thảo Hương - TP. Châu Đốc, Cơ sở đường thốt nốt Cẩm Hừng - Tịnh Biên (đường thốt nốt), Đại lý cô Hồng mắm BGK 7777777 - TP. Châu Đốc (mắm các loại), Cơ sở sản xuất rượu cà na Hòa Kiều - Tịnh Biên (rượu cà na). Cơ sở Đại Phát - Châu Phú, DNTN Trường Lộc - Chợ Mới, Công ty TNHH MTV Nguyễn Phú Vinh - Phú Tân, Cơ sở Thảo 222, Cơ sở bánh Kim Hiệp, Cơ sở Tân Hương (TP. Châu Đốc), Công ty TNHH MTV phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia (Tịnh Biên)...
Ông Sơn chia sẻ: “Chính nhờ Cuộc vận động đã khẳng định bản chất sản xuất và giá trị hàng hóa thương hiệu Việt. Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới, hàng hóa ngoại nhập nhiều, Cuộc vận động này làm cho giá trị sản xuất, giá trị của thương hiệu, lòng tự tôn, tự hào dân tộc nâng cao. Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thức tỉnh mỗi người Việt Nam dùng hàng Việt cũng là thể hiện lòng yêu nước”.
Hàng hóa ở chợ truyền thống rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, qua các cuộc kiểm tra thị trường, ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... trà trộn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt. Doanh số bán hàng và số lượt khách tham quan, mua sắm mỗi năm ngày càng tăng cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình, đặc biệt là tổ chức phiên chợ theo hình thức “siêu thị lưu động” của Tứ Sơn được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “10 năm đưa hàng Việt về nông thôn có trên 150 doanh nghiệp Việt đồng hành cùng hàng Việt. Các ban, ngành đoàn thể, địa phương ủng hộ nhiệt tình. 10 năm đồng hành cùng hàng Việt, rong ruổi mang hàng Việt về tận vùng sâu, vùng xa cho bà con, Tứ Sơn không đơn độc mà luôn nhận được sự ủng hộ, san sẻ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Sở Công thương, UBMTTQVN tỉnh và chính quyền địa phương. Tứ Sơn không làm được nếu không có Sở Công thương, MTTQ và địa phương cùng gắn bó, đồng hành, tác động đến người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng hàng Việt”.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU