Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN
Tập trung điều trị cho ca F0 nặng, giảm ca tử vong
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6 giờ ngày 17-7), Thành phố ghi nhận hơn 2.800 ca mắc COVID-19, trong đó, phần lớn phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa (chiếm hơn 81% tổng số ca mắc), khoảng 420 ca qua sàng lọc ở bệnh viện. Thành phố đang điều trị khoảng 20.800 ca bệnh, trong đó có 306 ca thở máy, 8 ca cần can thiệp ECMO.
Hiện, Thành phố tập trung điều trị cho các ca F0 nặng nhằm giảm số ca tử vong. Sau khi làm việc với Sở Y tế Thành phố chiều 16-7, các lực lượng khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy trình tiếp nhận các ca F0, đặc biệt quy trình chuyển ca F0 nặng về các bệnh viện điều trị. Cụ thể, Thành phố xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, bệnh viện dã chiến điều trị các F0 ở các mức độ khác nhau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thiết lập hệ thống quản lý, điều phối ca F0 trên địa bàn. Thành phố giao Trung tâm cấp cứu quản lý, vận hành hệ thống này, nhằm kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện phù hợp nhanh nhất, giải quyết tình hình ca F0 trở nặng tăng lên hiện nay.
Để công tác xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí sức lực và vật tư, xác định nhanh và tách ca F0 ra khỏi cộng đồng, Thành phố ban hành chỉ đạo về phương châm xét nghiệm “rõ-nghiêm-chắc-nhanh”. Vừa qua, các lực lượng đã lấy hơn 1,9 triệu mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR trong các khu cách ly, khu phong tỏa, tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghệ cao, trong đó, còn hơn 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Đồng thời, các lực lượng đã thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho khoảng 1,2 triệu trường hợp.
Hiện còn tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa do vẫn các nhà vẫn giao lưu với nhau, do đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu siết chặt các biện pháp, đảm bảo tuân thủ giãn cách trong các khu phong tỏa, phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 trong cộng đồng để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16-CT-TTg.
Chợ truyền thống hoạt động theo mô hình “phân ô, kẻ vạch”
Các tiểu thương phải tuân thủ các quy định phòng dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết-Báo Tin tức
Về cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, so với ngày 15-7, sức mua ngày 16-7 tại các chợ truyền thống tiếp tục giảm nhẹ (khoảng 10%) do người dân hạn chế ra ngoài, giá ở chợ cao hơn so với các siêu thị. Tại các siêu thị, sức mua có giảm nhẹ 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng dài, ùn ứ; giá cả được niêm yết đầy đủ, hàng hóa dồi dào. Phương thức mua sắm trực tuyến được ưa chuộng hơn nên Thành phố đề nghị các kênh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ mua hàng thiết yếu trực tuyến để đa dạng kênh mua sắm cho người dân. Hiện nay, Sở Công Thương kết hợp với các quận, huyện tổ chức chợ truyền thống hoạt động lại theo mô hình “phân ô, kẻ vạch”.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Công Thương Thành phố cho biết, hiện tại lượng hàng (rau củ quả, gia súc, gia cầm…) về Thành phố tăng so với ngày 15-7, đạt khoảng 5.300 tấn-ngày đêm, riêng mặt hàng thịt lợn đảm bảo 850 tấn-ngày đêm. So với điều kiện bình thường, lượng hàng hóa vẫn thiếu hơn 1.000 tấn do nhiều nguyên nhân khác nhau (việc thu mua khó khăn, giá cả tăng…) nên Thành phố đang vận động các kênh để hỗ trợ về nguồn cung và vận hành.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương hướng dẫn các quận, huyện mở cửa lại các chợ truyền thống sau khi đánh giá điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn (về mặt bằng, tiểu thương, hàng hóa…) theo mô hình khác nhau, phù hợp với điều kiện từng địa phương; từ đó, chia tải hoạt động siêu thị, đảm bảo kênh tiếp cận người dân thuận lợi hơn.
Với sự hỗ trợ vận chuyển hàng hóa qua đường thủy, tàu cao tốc của Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành để mở rộng các nguồn cung ứng hàng hóa với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (qua trạm trung chuyển thành phố Thủ Đức); miền Bắc (qua trạm trung chuyển huyện Hóc Môn). Việc cung ứng của ngành Công Thương đang chú trọng 3 điểm: Nguồn hàng từ các địa phương; lưu thông luân chuyển; phân phối nội bộ.
Chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn
Liên quan đến công tác chăm lo, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nơi công cộng đưa vào các trung tâm xã hội. Tính đến ngày 16-7, đã có 220.000-232.000 đối tượng (mất việc, bán vé số, người gặp khó khăn...) được hỗ trợ với kinh phí 330 tỷ đồng. Các quận, huyện chủ động vận động các nguồn lực xã hội, mạnh thường quân để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn. Trong 8 ngày qua, các lực lượng đã kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng.
Về thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất, Thành phố kịp thời ban hành chỉ đạo, chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động khi đảm bảo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Hiện có 586-440.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 70.000 công nhân; 680 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động với gần 65.000 công nhân.
Cùng với đó, hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn được kiểm soát tốt, ý thức chấp hành được nâng lên, lưu lượng hoạt động giảm khoảng 70% so với thời điểm trước khi áp dụng Chỉ thị 16-CT-TTg. Thành phố đã cấp giấy ưu tiên phương tiện có mã QR-Code, tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh từ Thành phố đến các địa phương và ngược lại.
Thành phố vừa thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, hệ thống điều trị các bệnh nhân nặng của Thành phố gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh (300 giường); Bệnh viện Chợ Rẫy (300 giường)… Tuy nhiên, trước tình hình số ca F0 tăng nhanh, áp lực điều trị tăng, Thành phố đề nghị được thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân nặng.
Sẽ cách chức người không chấp hành nghiêm chỉ đạo chống dịch
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, trong bối cảnh tình hình lây nhiễm phức tạp; số ca F0, F1 tăng cao, hệ thống y tế nhiều nơi đang quá tải về nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị sinh phẩm… Khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tích cực hỗ trợ Thành phố về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để chuẩn bị các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh phân công các sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16-CT-TTg trên từng địa bàn, đặc biệt những khu vực trọng tâm, trọng điểm. Trước tình trạng người dân tụ tập đông người, dễ lây nhiễm trong cộng đồng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, phân công các lực lượng tại chỗ tự quản lý người ra vào và các hoạt động ở khu cách ly, phong tỏa.
“Qua kiểm tra, phát hiện, những nơi không thực hiện nghiêm, không chấp hành chỉ đạo cấp trên, phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề nghị cách chức những lãnh đạo không thực hiện nghiêm các chỉ đạo. Từ đó, việc chấp hành phải nghiêm hơn, toàn diện hơn, đặc biệt đối với những nơi có dấu hiệu lây nhiễm cao”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Thành phố yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau; tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể của từng chốt trong khu vực phong tỏa. Khi có tình huống xuất hiện, phải có người đứng ra chỉ huy, xử lý kịp thời. Ngoài ra, các cơ sở y tế của Thành phố cần chuẩn bị phương án điều trị bệnh nhân nặng để hạn chế số ca tử vong.
Tuyệt đối không để các bệnh viện thiếu vật tư, trang thiết bị y tế
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Hồng Thắm-TTXVN phát
Đồng tình với quan điểm chỉ đạo cương quyết của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Thành phố phải tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, khu cách ly. Với địa bàn rộng, dân số đông nên việc kiểm soát rất khó khăn, Thành phố phải thực hiện quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp chính quyền đến mọi tổ chức, đoàn thể.
Liên quan đến công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý, Thành phố cần tăng cường công tác vận chuyển ca F0 đến các cơ sở điều trị, đặc biệt những trường hợp có triệu chứng nặng lên.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Thành phố phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để ổn định đời sống người dân; đồng thời động viên người dân chịu khó vất vả, chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, Thành phố chủ động phân phối trên toàn địa bàn. Đồng thời, việc vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm phải “tuyệt đối an toàn”, gắn trách nhiệm cho từng siêu thị, cửa hàng…
Về công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tập trung quét nhanh để giữ chặt vùng xanh an toàn. Các lực lượng nhanh chóng lẫy mẫu, tổ chức xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp, nhanh chóng bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng để giữ chặt, giữa chắc các vùng xanh an toàn. Bên cạnh đó, Thành phố cần rà soát, đánh giá tổng thể năng lực xét nghiệm (nhân lực lấy mẫu, máy móc, sinh phẩm xét nghiệm...) để có biện pháp điều phối hiệu quả. Việc lấy mẫu phải đảm bảo giãn cách an toàn, chống lây nhiễm chéo; tăng cường lấy mẫu tận từng gia đình. Việc cập nhật dữ liệu, kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm nồng độ virus để đánh giá chính xác diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh không để tình trạng "các bệnh viện vừa lo chống dịch, vừa lo mua vật tư, trang thiết bị". Thành phố Hồ Chí Minh phải sớm thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực. Phó Thủ tướng đề nghị tập thể lãnh đạo Thành phố bàn bạc, thống nhất và đưa ra quyết định để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
“Tuyệt đối không để các y bác sĩ trên tuyến đầu thiếu vật tư, trang thiết bị y tế chống dịch”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo DIỆP TRƯƠNG (Báo Tin Tức)