Phối hợp bảo vệ quyền lợi người lao động

21/04/2023 - 06:20

 - Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), các ngành, cơ quan trên địa bàn An Giang đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, góp phần ổn định, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là sự kiên quyết, tận tâm khi tham gia giải quyết các trường hợp tranh chấp, vi phạm của DN gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Chuyển biến nhận thức

Thời gian qua, tình hình lao động trên địa bàn An Giang tương đối ổn định. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động trong DN. Trong đó, có vai trò của tổ chức công đoàn, các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông báo chí…

Nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều NLĐ lại không nắm được những quy định này để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhiều hình thức sinh động, đổi mới để đưa kiến thức pháp luật đến với người lao động trong doanh nghiệp

Các cơ quan liên ngành đã nỗ lực đổi mới, linh hoạt hình thức tuyên truyền, phổ biến, đưa pháp luật vào trong DN. Các kênh tư vấn, cầu nối hỗ trợ đã được phát huy để NLĐ biết đến nhiều hơn, được hướng dẫn khi cần thiết.

Điển hình, từ khi thực hiện công tác phối hợp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tập trung phổ biến cho NLĐ về chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, NLĐ còn được trang bị kiến thức về pháp luật lao động và công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động...

Năm 2022, cơ quan BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh còn phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho trên 100 DN đã tham gia và chưa tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ. Các ngành, cơ quan đã gặp gỡ, đối thoại với 150 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, giải đáp kịp thời các vấn đề NLĐ đang quan tâm.

Từ tháng 9/2022 đến nay, việc thu hẹp sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động của một số DN sản xuất giày da, may mặc, thủy sản... cùng với tình hình giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng tăng cao, đã ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm và đời sống của một bộ phận NLĐ.

Sở LĐ-TB&XH cùng với LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với người sử dụng lao động, chính quyền tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho NLĐ. Song song đó, tuyên truyền, vận động NLĐ chia sẻ, đồng hành cùng DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Hài hòa lợi ích

Theo Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn, tình trạng nợ BHXH kéo dài của các DN đã gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. NLĐ còn bị ảnh hưởng trực tiếp khi đi khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, tử tuất hàng tháng...

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 113,9 tỷ đồng. Đặc biệt, có 276 đơn vị không còn lao động, không liên hệ, giải thể… với số nợ hơn 57,15 tỷ đồng. Công tác phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được đánh giá là công cụ hữu hiệu cho việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.

Để nâng chất thỏa ước lao động tập thể trong DN, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc rà soát, bổ sung, đưa nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ (cao hơn quy định của luật). Tiêu biểu như: Thời gian làm việc 44 giờ/ngày, thời gian nghỉ ngơi đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 được nghỉ 60 phút/ngày, tăng số ngày được nghỉ việc được hưởng nguyên lương, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền chuyên cần, chế độ hiếu, hỉ, chất lượng bữa ăn ca, tổ chức cho NLĐ khám sức khỏe, tham quan… Đến nay, có 222 công đoàn cơ sở DN có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 100%.

Công nhân đối thoại với chính quyền, các ban, ngành về chính sách liên quan quyền lợi khi làm việc

Việc tổ chức đối thoại định kỳ trong các DN có chuyển biến tích cực. Tùy điều kiện thực tế, các DN lồng ghép những nội dung liên quan đến quyền lợi giữa chủ DN với NLĐ vào các cuộc họp tổ, đội, chuyền sản xuất, họp hàng tuần, tháng, quý. Kết quả, có 227 DN có tổ chức công đoàn thực hiện đối thoại với NLĐ, đạt 100% (gồm 21 DN nhà nước, 206 DN ngoài nhà nước). Kể cả các DN chưa có tổ chức công đoàn cũng được nhắc nhở, hướng dẫn để đối thoại với NLĐ.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly cho biết, đơn vị phối hợp LĐLĐ tỉnh kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật lao động, luật công đoàn đối với các DN nợ đóng kinh phí công đoàn. Trên cơ sở đó, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc vi phạm pháp luật công đoàn, nợ đóng kinh phí công đoàn theo quy định. Các đơn vị được kiểm tra đã khắc phục việc chậm đóng kinh phí công đoàn từ năm 2016 đến năm 2022, với số tiền hơn 10 tỷ đồng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ.

Công tác phối hợp hàng năm giữa các ngành, cơ quan đã mang lại những mặt tích cực, được sơ kết, đánh giá, phân tích nguyên nhân tồn tại. “Nhiều tay thì vỗ nên kêu”, kết quả phối hợp không chỉ bảo vệ quyền lợi cho NLĐ mà còn đảm bảo sự hài hòa cho phía DN, mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

HOÀI ANH