Phòng, chống dịch hại vụ lúa hè thu

25/04/2024 - 03:40

 - Vụ lúa hè thu 2024 xuống giống trong điều kiện nắng nóng, khô hạn đầu vụ, cuối vụ sẽ có mưa nhiều. Thời tiết thay đổi là điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh; khả năng lưu truyền dịch hại từ vụ lúa đông xuân muộn sang vụ hè thu sớm là rất cao. Nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để bảo vệ tốt mùa màng.

Đối tượng dịch hại tăng

Ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho thấy, vụ đông xuân 2023 - 2024, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ cao gây bất lợi đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cơ cấu giống canh tác đa phần giống nhiễm dịch hại (Đài Thơm 8 chiếm 43,8%, OM18 chiếm 17,1%...); việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay chưa mang lại hiệu quả tối ưu, do nông dân chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, như: Lượng nước phun chưa đủ, ruộng bị khô, bơm nước vào ruộng chưa kịp thời... Kết quả thăm đồng tại các địa phương sau Tết Nguyên đán cho thấy, đồng ruộng xuất hiện một số dịch hại: Rầy nâu nhiễm cục bộ gây hại (cháy rầy); rầy phấn trắng nhiễm trên diện rộng duy trì mật số cao, gây hiện tượng vàng lá đều trên đồng.

Biện pháp cấy lúa giúp hạn chế dịch hại trên đồng

Các đối tượng gây hại phổ biến trong vụ đông xuân 2023 - 2024 là: Rầy phấn trắng, rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh đạo ôn lá... tổng diện tích nhiễm 107.250ha, tăng 31.957ha so cùng kỳ. Trong đó, nhiễm nhẹ 100.158ha (chiếm 93,4%), nhiễm trung bình 6.598ha (chiếm 6,2%) và nhiễm nặng 494ha (chiếm 0,5%). Nhờ ngành chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức thăm đồng, hướng dẫn phòng trừ kịp thời nên diện tích thiệt hại không đáng kể.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Đặng Thanh Phong cho biết, vụ hè thu năm nay, nông dân cần lưu ý một số sinh vật hại chủ yếu. Đối với rầy nâu, sẽ có 3 đợt rầy chính phát sinh, gồm: Đợt 1, rầy cám nở vào giữa đến cuối tháng 4, gây hại mức độ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm (ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng). Đợt 2, rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 5, gây hại mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và đại trà (ở giai đoạn làm đòng đến trổ). Đợt 3, rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 6, gây hại mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa muộn. Nông dân nên thăm đồng thường xuyên, đặc biệt chú ý khi canh tác các giống nhiễm rầy (Jasmine 85, nếp, lúa Nhật, IR50404, OM4900, OM6561, OM6377, OM5451...).

Chú ý phòng bệnh

Chi cục TT&BVTV An Giang lưu ý, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có khả năng phát sinh cục bộ trên trà lúa xuống giống không đúng lịch thời vụ tập trung né rầy, mức độ thiệt hại nhẹ đến trung bình, rải rác ở một số địa phương. Trong khi đó, rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và đại trà; thời gian xuất hiện từ tháng 5 - 6/2024. Nhện gié có khả năng phát sinh, phát triển mạnh từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng đến trổ, mức độ nhẹ, gây hại trung bình trên trà lúa sớm và đại trà.

Bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 trên các giống nhiễm (IR50404, Đài Thơm 8, OM5451, OM4218, OM6561, OM6976, OM4900, Jasmine 85, OM2514...). Nếu thời tiết mưa nhiều, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát triển mạnh từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, mức độ từ nhẹ đến trung bình, chú ý trên giống nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng (OM6976, OM6073, IR50404, OM2514, Jasmine 85...).

Bệnh cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và nặng trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao (mưa giông, áp thấp nhiệt đới hay mưa bão kéo dài nhiều ngày) khoảng giữa tháng 6 đến tháng 7, xuất hiện trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ đều và ngậm sữa. Tương tự, bệnh lem lép hạt sẽ xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao (trời âm u, có mưa nắng xen kẽ) từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7, mức độ từ nhẹ đến trung bình, chú ý trên giống Jasmine 85, OM6976, IR50404…

Dự báo, sẽ có mưa nhiều vào giữa và cuối tháng 6, ẩm độ cao, thích hợp cho muỗi hành phát sinh, gây hại trên trà lúa hè thu xuống giống muộn, cần chú ý tập trung theo dõi ở những vùng có muỗi hành xuất hiện nhiều trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ gây hại thường xuyên trên đồng ruộng, có khả năng nhiễm từ nhẹ đến trung bình trên các trà lúa vụ hè thu 2024. Nông dân cần chú ý hạn chế phun thuốc trừ sâu khi cây lúa chưa được 40 ngày sau sạ, để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng.

Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật tiến bộ, Chi cục TT&BVTV An Giang khuyến cáo nông dân thay thế một phần phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, tăng khả năng đề kháng của cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết. Nông dân cần áp dụng bón lót phân lân; bón phân đợt 1 sớm (từ 7 - 10 ngày sau sạ), tăng cường bón phân lân và kali để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạ phèn...

Ghi nhận trên diện tích cháy rầy cục bộ vụ đông xuân, nhiều nông dân chưa áp dụng triệt để biện pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, như: Vẫn còn sạ dày, bón thừa phân đạm, không thăm đồng thường xuyên, sử dụng thuốc trừ rầy chưa theo nguyên tắc “4 đúng”… Đây là kinh nghiệm cần lưu ý nhằm hạn chế thiệt hại trong các vụ tiếp theo.

NGÔ CHUẨN