Phòng, chống đuối nước trẻ em

31/08/2022 - 08:03

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, có hơn 435.500 trẻ em (từ 0 đến dưới 16 tuổi). Nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em và các gia đình trong phòng, chống đuối nước, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Nhiều lớp phổ cập bơi cho trẻ em được tổ chức trong dịp hè

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 475 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó 18 trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân do sự chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát trẻ của cha mẹ. Bên cạnh đó, trẻ có tính hiếu động, tò mò, trong khi môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều kiện tự nhiên chằng chịt ao, hồ, sông, suối, nước lớn và mạnh vào mùa mưa lũ, thiếu sự che chắn, đảm bảo an toàn… là nguy cơ gây tai nạn đuối nước hàng đầu.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly thông tin, thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg, ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, đề án tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Ngoài ra, 11/11 huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch, chương trình và văn bản phù hợp với điều kiện địa bàn. Công tác truyền thông giáo dục, tập huấn nâng cao kiến thức, phối hợp liên ngành và kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em được 100% địa phương triển khai.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng tránh tai nạn thương tích, trong đó 74,5% hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi đạt tiêu chí. Tỉnh đã chỉ đạo huyện, xã triển khai mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em. Kết quả, hiện nay 110/156 được công nhận xã, phường đạt tiêu chí này. Mỗi năm, tỉnh triển khai khoảng 40 điểm giữ trẻ mùa lũ tại các vùng ngập sâu, mỗi điểm trung bình từ 15-40 cháu, kinh phí hỗ trợ hoạt động 1 tỷ đồng/năm.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh triển khai mô hình “Biển báo nguy hiểm và phao cứu sinh tái chế”, lắp đặt pa-nô cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm. Để thực hiện tốt chương trình phổ cập bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, giai đoạn 2017-2020, đơn vị trang bị 24 lồng bơi di động để dạy bơi cho trẻ em huyện biên giới, vùng núi khó khăn, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì và nhân rộng mô hình bể bơi di động tại xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu đầu tư xây dựng công trình hồ bơi 25m và 50m tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, cơ sở tư nhân đầu tư 21 hồ bơi trên địa bàn tỉnh để tổ chức bơi lội và các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước. Nhiều hồ bơi dạng kiên cố, hồ bơi tạm, hồ bơi lắp ghép… được triển khai tại trường tiểu học và THCS trong tỉnh. Riêng huyện Chợ Mới trích ngân sách trang bị mỗi xã, thị trấn 2 hồ bơi di động, nhằm phổ cập bơi cho trẻ em.

Các hội thi bơi lặn, giải bơi phòng, chống đuối nước được tổ chức thường xuyên cho nhóm trẻ từ 9-16 tuổi. “Những hội thi này không chỉ đánh giá về thành tích bơi lội, mà còn đánh giá quá trình nắm bắt kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước của trẻ em. Bên cạnh đó, có cả đánh giá về kỹ năng, trình độ chuyên môn của cán bộ, giáo viên thể dục, cộng tác viên làm công tác phòng, chống đuối nước” - ông Châu Văn Ly cho biết.

Nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em, tỉnh tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ, giáo viên, trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng, đào tạo huấn luyện viên dạy bơi chuyên nghiệp trong nhà trường. Song song đó, từ những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các mô hình, dự án về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em ở gia đình, trường học, cộng đồng.

Tháng 8/2022, đoàn khảo sát chuyên đề của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Đoàn thống nhất các giải pháp của tỉnh nhằm hạn chế, giảm tình trạng đuối nước trẻ em, trong đó lưu ý can thiệp phòng ngừa tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm nguồn lực cho công tác phòng, chống đuối nước, nhất là xã hội hóa, kêu gọi người dân và toàn xã hội cùng chính quyền tham gia.

 

MỸ HẠNH