Phòng, chống sâu bệnh gây hại vụ lúa thu đông

13/11/2023 - 14:59

 - Giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng là thời điểm có nhiều loại sâu bệnh phát triển, gây hại. Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) tăng cường kiểm tra đồng ruộng chủ động ngăn chặn sâu bệnh gây hại vụ lúa thu đông 2023, không để ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Phú, vụ lúa thu đông năm 2023, toàn huyện đã xuống giống 18.733,9ha, đạt 102,04% so kế hoạch. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân chủ động phòng ngừa các sinh vật gây hại trên lúa và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng lúa.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn phân bố rộng cùng giai đoạn lúa sinh trưởng, tạo thuận lợi cho sâu bệnh phát triển gây hại. Từ đầu vụ lúa thu đông 2023 đến nay, sinh vật gây hại trên cây lúa, như: Ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá… nhiễm từ nhẹ, trung bình, có nơi nhiễm nặng.

Hiện, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn huyện đang giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, bên cạnh thời tiết mưa lớn thường xuyên trên diện tích rộng, thích hợp cho sâu bệnh phát triển và sinh vật gây hại trên cây lúa diễn biến phức tạp. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã tổ chức 3 đoàn cán bộ kỹ thuật kiểm tra thực tế ruộng lúa để đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại và dự báo các đối tượng gây hại trong thời gian tới, để có giải pháp khuyến cáo nông dân bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Cán bộ nông nghiệp huyện Châu Phú cùng bà con nông dân thăm đồng

Qua điều tra thực tế tại các ruộng lúa, ngành nông nghiệp dự báo trong thời gian tới do điều kiện thời tiết mưa lớn trên diện tích rộng kết hợp giai đoạn lúa sinh trưởng thích hợp cho các đối tượng sinh vật gây hại phát triển. Trong đó có các đối tượng, như: Bệnh đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá, vàng lá chín sớm, đốm vằn, sâu cuốn lá, chuột, rầy nâu… khiến nhiều nông dân lo lắng.

Nông dân Nguyễn Phương Điền (xã Bình Phú, đang canh tác 1ha lúa giai đoạn 60 ngày tuổi, sắp trổ bông) chia sẻ: “Năm nay do mưa nhiều nên vi khuẩn cháy bìa lá nhiều hơn so với mọi năm, nhưng xịt thuốc không đạt, vì sau khi xịt thuốc thì gặp trời mưa làm trôi hết thuốc”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Đối với bệnh cháy bìa lá và sọc trong, vi khuẩn tấn công gây ảnh hưởng lâu dài cho cây lúa, nên bà con nông dân cần lưu ý phải xả nước trên ruộng cho khô ráo, không để vi khuẩn lây lan. Khi xả nước, rễ lúa ăn sâu xuống đất và tạo cây lúa khỏe, tăng cường sức chống chịu đối với sâu bệnh.

Đặc biệt, hạn chế bón thừa phân đạm để bảo vệ lúa khỏi bị sâu, bệnh tấn công. Bà con nông dân cần chọn những loại thuốc đặc trị vi khuẩn để phun xịt. Nếu phối trộn các loại thuốc với nhau thì nên pha thuốc với nước trước, rồi mới trộn các loại thuốc khác. Cần luân phiên các loại thuốc, tránh ảnh hưởng xung đột tác dụng của các loại thuốc với nhau, như vậy mới đạt hiệu quả cao. Đối với trà lúa giai đoạn trổ và trổ đều, cần phun thuốc ngừa bệnh lem lép hạt”.

Bên cạnh, cũng cần chú ý các đối tượng khác, như: Sâu đục thân, muỗi hành... Vì hiện nay, muỗi hành cũng đang gây hại rải rác trên trà lúa làm đòng đến trổ và có khả năng tiếp tục gây hại trên trà lúa cuối trên địa bàn huyện với hơn 2.300ha lúa đang giai đoạn đẻ nhánh ở 2 xã Ô Long Vĩ và Mỹ Phú. “Muỗi hành tấn công cây lúa ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, thậm chí ngay cả sau khi lúa có đòng và đến trổ, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và có giải pháp phòng ngừa muỗi hành” - ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết.

Ngành nông nghiệp huyện Châu Phú lưu ý, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại, như: Đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt... Khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, bà con ngừng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá, tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt diện tích đã nhiễm bệnh.

Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều kèm theo giông, để hạn chế đổ ngã trên cây lúa, nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp: Bón phân cân đối, hạn chế thừa phân đạm, bổ sung thêm can-xi, kali, silic... nhằm tăng cường tính chống chịu cho cây lúa, làm cho thân và rễ lúa cứng cáp hơn, đồng thời nên rút nước khô ruộng 7 - 10 ngày trước thu hoạch để mặt đất cứng, tránh lúa đổ ngã và dễ thu hoạch.

TRỌNG TÍN