Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

26/08/2021 - 06:09

 - Trước thực trạng trẻ em lao động sớm, trẻ có nguy cơ lao động sớm, đặc biệt trong điều kiện nặng nhọc, độc hại vẫn còn diễn ra, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Nhất là đưa ra các biện pháp nhằm phát hiện, can thiệp, kịp thời hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Trẻ em cần được tạo điều kiện để phát triển về vật chất lẫn tinh thần (Ảnh chụp trước thời điểm giãn cách xã hội)

Hiện nay, tình trạng trẻ em lao động sớm, trẻ em có nguy cơ lao động sớm vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Trong đó, phổ biến ở các ngành nghề, như: làng nghề tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp; trẻ em bán vé số, phụ hồ, phụ quán ăn, làm việc trên đường phố... Việc lao động sớm sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của các em. Các nhu cầu về học tập, vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin; các quyền cơ bản mà trẻ em được hưởng sẽ không được đảm bảo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động sớm ở trẻ em. Một phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị để kiếm sống. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình về ảnh hưởng của việc trẻ em tham gia lao động sớm còn hạn chế. Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm rằng cho trẻ làm việc từ nhỏ sẽ tốt sự phát triển sau này, cũng như góp phần phát triển kinh tế gia đình... Một trong những nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa trẻ em tham gia lao động sớm chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh, kiểm tra đối với tình hình sử dụng lao động trẻ em chưa thường xuyên…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi xuống 5%. 80% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý theo dõi. Trên 80% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề phù hợp.

Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các biện pháp truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trong đó, 75% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 75% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về vấn đề này. 80% doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ gia đình... được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ngoài ra, phấn đấu 70% công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức có liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 100% cán bộ phụ trách được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 80% DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, hợp tác xã; 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của xã hội...

UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ đảm bảo tiếp nhận và can thiệp liên ngành hiệu quả đối với tất cả các trường hợp lao động trẻ em, trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Mặt khác, cần triển khai các chính sách dạy nghề, trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất - kinh doanh...

Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em tại từng địa phương, các DN và người sử dụng lao động. Đồng thời, huy động các nguồn lực, các dự án trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên toàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, DN và cá nhân trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em...

ĐỨC TOÀN