Nông dân ứng dụng “2 lúa 1 màu”

12/05/2025 - 06:28

 - Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi trồng “2 vụ lúa, 1 vụ màu”. Trong đó, cây mè và dưa leo được bà con ưu tiên chọn làm cây sản xuất xen canh, bởi thời gian thu hoạch ngắn, năng suất cao, giá bán ổn định, thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Sản xuất vụ lúa hè thu năm 2025, TP. Long Xuyên xuống giống 4.578ha, đạt 96,8%; màu 216ha, đạt 45,1%. Trong đó, chủ yếu là mè đen, sen, rau ăn lá các loại… tập trung ở phường, xã có đất sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là mùa vụ gặp nhiều rủi ro của thời tiết, thường có năng suất thấp hơn vụ đông xuân. Tuy nhiên, nông dân không ngại khó, nỗ lực sản xuất.

Chúng tôi có mặt tại khu đất của nông dân Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh) khi mặt trời chuẩn bị lên cao. Những cây mè sừng sững, cao gần bằng đầu người, bắt đầu đơm hoa, kết trái. Là nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, ông Phước mạnh dạn luân canh 2 lúa 1 màu, trong đó cây mè được gia đình ông ưu tiên sản xuất vụ hè thu. Bởi theo kinh nghiệm của ông, đây là loại cây dễ trồng, chi phí thấp, nhẹ kỹ thuật canh tác, phù hợp với điều kiện địa phương.

Ngoài ra, việc áp dụng mô hình trồng lúa luân canh mè vừa giúp tăng lợi nhuận, vừa giảm được chi phí ở vụ lúa sau, vì thân rễ mè để lại chất dinh dưỡng. Trung bình năng suất sau khi thu hoạch mè đạt từ 700 - 800kg/công, giá bán trên thị trường dao động mức 48.000 - 55.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg, nên vụ mùa này bà con nông dân khá phấn khởi.

Ông Phước phấn khởi khi mè cho ra nhiều trái

Nhìn những cây mè đang bắt đầu cho trái dày đặc, ông Phước chia sẻ: “Làm lúa lâu năm sẽ dẫn đến việc đất bị cằn cỗi, năng suất thấp, nên nông dân được khuyến khích chuyển đổi cây trồng. Chúng tôi thấy trồng mè là thích hợp nhất, vì nơi đây đất gò cao, khó khăn trong việc bơm nước. Trồng mè thì không cần phải bơm nước, ít sâu bệnh, công chăm sóc lại rất nhẹ. Bên cạnh đó, thu lợi nhuận cao hơn lúa nên cuộc sống khá ổn định…”.  

Không riêng cây mè, nông dân phường Mỹ Thạnh cũng tích cực nghiên cứu trồng luân phiên xoay vòng các loại rau màu phù hợp thời tiết, sức hút của thị trường tiêu thụ. Nông dân Nguyễn Văn Chung (ngụ khóm Đông Thạnh) chọn vụ hè thu để chuyển sang trồng dưa leo trên đất lúa, vừa đem lại lợi nhuận kinh tế, vừa giảm nguồn lây dịch bệnh; chất đất được cải tạo, đem lại năng suất cao cho cây lúa.

Mùa vụ này thời tiết khá thuận lợi đối với rau màu, nên diện tích dưa leo của gia đình ông phát triển tốt. So cây lúa, dưa leo nhọc công chăm sóc hơn, bù lại đem lợi nhuận gấp 4 - 5 lần. Giá bình quân 8.000 đồng/kg, trung bình năng suất dao động khoảng 2,6 tấn/công, trừ tất cả chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận 10 - 12 triệu đồng/ công. Ngoài ra, dưa leo kể từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 1 tháng, kéo dài đến cuối vụ là 2 tháng. Sau khi kết thúc vụ dưa leo, ông Chung chuyển sang trồng lúa, nhận thấy lúa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn trước.      

Có thể thấy, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm thu nhập, mô hình 2 lúa 1 màu đem lại hiệu quả thiết thực, là giải pháp tốt để nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả thực tế mang lại của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp cũng từng bước thay đổi nhận thức của nông dân, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích.

Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo lịch thời vụ, nhất là giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm và giữ cho môi trường an toàn. Nhìn chung, đây là hướng đi khá phù hợp với sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp mà nông dân đô thị đã và đang hướng đến.

NGUYỄN HƯNG