Phong vị ngày Xuân

16/02/2024 - 07:21

 - Tết cổ truyền trở thành lễ hội nằm trong niềm mong đợi không thể thiếu của người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, mọi người đều hướng về nguồn cội. Không khí náo nhiệt, ấm cúng, những phong tục đậm nét văn hóa của ngày lễ văn hóa lớn nhất trong năm được các thế hệ tiếp tục trao truyền, gìn giữ.

Nhiều ngôi chùa tổ chức tặng chữ đầu năm

Từ những ngày giáp Tết rộn ràng, nhà nhà trang trí đón năm mới, đến thời khắc đoàn viên con cháu sum họp đủ đầy đều dâng trào cảm xúc khó tả. Mấy ngày Tết, sau thờ cúng tổ tiên, người dân thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt đẹp. “Tết” thường không được gọi riêng biệt, mà phải là “ăn Tết”, “chơi Tết”, tức là những ngày này, mọi người chỉ ăn uống, vui chơi, bù đắp lại những ngày lao động mệt nhọc. Nhiều phong tục của ông bà để lại được con cháu nghiêm túc giữ gìn: Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy.

Tết không chỉ là dịp để nội - ngoại đoàn tụ, sum vầy cùng cháu con, mà còn là những ngày tạm gác gánh lo của cuộc sống, thư giãn trong những ngày đầu năm mới. Một trong những mỹ tục không thể thiếu là lễ chùa đầu năm, cầu mong những điều bình an.

Đến chùa là nhu cầu về đời sống tinh thần, đặc biệt trong ngày đầu năm đã trở thành nét đẹp chung trong văn hóa của người Á Đông. Thường sau đêm giao thừa đón rước ông bà, nhiều người đã sửa soạn trang phục chỉnh tề để lên chùa, với niềm tin vào thời khắc chuyển giao của đất trời, chốn tâm linh thiêng liêng sẽ giúp tâm hồn mỗi người được an yên, gia đạo bình yên.

Khai Xuân, ngay từ mùng 1 Tết, rất nhiều ngôi chùa kết hợp biểu diễn lân sư rồng với tặng chữ thư pháp cho khách thập phương đến cúng bái. Việc xin chữ là mỹ tục đầu năm, không chỉ thể hiện tinh thần coi trọng việc học hành, đỗ đạt, mà còn cầu mong một năm an lành, tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Ở các nơi tổ chức tặng chữ, người dân đều tập trung đông đúc, chờ đợi đến lượt để mang về những chữ đẹp nói lên ước nguyện của mình.

“Năm qua, có nhiều khó khăn và biến cố trong gia đình, vì vậy tôi chỉ xin chữ “Bình an”, hy vọng người thân luôn khỏe mạnh, công việc thuận lợi và tinh thần của ai cũng được nhẹ nhàng” - chị Nguyễn Thị Cúc, phật tử xin chữ tại chùa An Thạnh, (huyện Phú Tân) bộc bạch.

Liên tiếp 3 năm nay, từ sau dịch bệnh đến khó khăn về kinh tế, đời sống, nhu cầu xin chữ của người dân cũng “dịch chuyển” rõ đáng kể. Theo anh Ôn Cung Trường (“ông đồ” ở TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), bên cạnh xin chữ quen thuộc, như: Tài, Lộc, Phước, Thọ… nhiều người còn yêu cầu viết chữ “An”, “Bình An”, “Hạnh Phúc”, “Bình Yên”…

Gắn liền với lễ, Tết, múa lân sư rồng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Theo quan niệm dân gian, hình ảnh lân sư rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng, đem lại nhiều điều an lành cho năm mới. Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu Xuân, các đoàn lân sư rồng tất bật với hoạt động biểu diễn phục vụ. Khi nhịp trống hội càng nhanh, dồn dập, những con lân, rồng như được tiếp thêm sức, vờn quanh uốn lượn, bật nhảy cao chót vót… Khán giả dõi theo từng động tác, lần lượt vang lên những tràng pháo tay thích thú và trầm trồ ngợi khen. Tiết mục công phu đã mang lại sự hài lòng cho gia chủ và phần thưởng thức mãn nhãn cho người dân cùng xem.

“Gia đình tôi kinh doanh nhỏ, không mời sẵn các đội lân, mà để lân tự vào nhà, xem như thần tài, may mắn gõ cửa. Múa lân là nghệ thuật truyền thống mà ai cũng ưa thích, tạo không khí tưng bừng, xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ và tinh thần phấn khởi cho năm mới hanh thông” - chị Thùy Linh (chủ cửa hàng thời trang chợ Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Đằng sau những chú lân vui tươi, tràn đầy sức sống là cả một quá trình rèn luyện gian khổ. Nếu múa lân đòi hỏi những kỹ thuật linh hoạt, sống động nhờ nền tảng võ thuật, thì múa rồng đòi hỏi tính đoàn kết của cả đội. Để có được những bài múa hoành tránh, cả đoàn không chỉ đầu tư về đạo cụ, luyện tập cao độ trong hơn 1 tháng trước Tết. Rồng là một trong những biểu tượng của văn hóa người Việt, là hình ảnh của uy quyền, trí tuệ sẽ mang lại sự thịnh vượng, may mắn cho mọi người.

Từ những ngày cuối năm kéo dài hết tháng Giêng, các đoàn lân “chạy sô” liên tục cho hoạt động tổng kết năm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người dân; chương trình vui Xuân của cơ quan, ban, ngành; phục vụ Nhân dân thưởng thức. Bên cạnh những đoàn lân nổi tiếng của đàn anh trưởng thành, các đội lân nhí cũng háo hức tìm lộc trong mấy ngày Xuân. Bù lại cho những động tác kỹ thuật khó, “lân nhí” có sự đáng yêu, ngộ nghĩnh và tinh thần biểu diễn hết mình, đi đến đâu cũng được chào đón, ủng hộ.

Ở từng địa phương, mỹ tục xưa còn hiện hữu trong ngày Xuân qua việc đến đình cúng bái đầu năm, cúng tổ ở nhà thờ chung của dòng họ, tổ chức lễ khai sơn tạo khí thế lao động hăng say… Tết đoàn viên, Tết đong đầy hạnh phúc và gửi gắm nhiều ước vọng rồi cũng đi qua, người người lại bắt đầu hành trình của năm mới. Có lẽ vì mỗi năm chỉ có một lần, nên những mỹ tục dù đã truyền qua rất nhiều đời vẫn được người dân trân trọng, lưu giữ và tự hào.

HOÀI ANH