Ông Lê Thanh Bồ (một người dân đã sinh sống và gắn bó với thị trấn Phú Mỹ trong suốt 68 năm qua) cho biết, trước ngày giải phóng, Phú Mỹ, Tân Hòa và làng Hòa Hảo là một xã. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến hành phân chia địa giới hành chính, đặt tên là thị trấn Mỹ Lương, từ năm 1980 có tên Phú Mỹ cho đến nay. Nếu so về mọi mặt đời sống, Phú Mỹ hôm nay đã phát triển hơn so với trước đây gấp chục lần. Dân số lúc đó khoảng 6.000 người, nay đã tăng khoảng 21.000 người. Chợ Đình và chợ Mỹ Lương phát triển mạnh với nhiều hoạt động buôn bán, kinh doanh ngày càng sung túc, về sau các tiểu thương đã tập trung về Trung tâm Thương mại thị trấn Phú Mỹ để kinh doanh. Cuộc sống người dân từ buôn bán nhỏ, phát triển các lò rèn, làm chiếu, chầm nón, dây luộc… từ từ hình thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp và phát triển rất mạnh. Đi theo sự phát triển, nhà cửa mọc lên san sát, ngày càng khang trang hơn, các hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tại chỗ và các xã lân cận, tạo nên diện mạo hiện đại, năng động.
Cảnh quan trung tâm Phú Mỹ luôn được chỉnh trang để ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại
Ngày xưa ông Bồ làm nghề giáo, chuyển qua nhiều vị trí công tác hiện làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Tân. Chia sẻ về văn hóa, giáo dục của quê mình, ông rất tự hào, bởi nơi đây là cái nôi văn hóa tốt nhất của huyện, nhiều người được đi học, thành tài. Phú Mỹ là nơi có trường học cấp II, cấp III đầu tiên của xứ cù lao, văn hóa - giáo dục phát triển mạnh song song từ năm 1975 đến ngày nay. Vì nằm trong vùng tôn giáo, người dân sống theo đạo nên trật tự xã hội khá ổn định, bình yên. Đảng, nhà nước đã quan tâm đầu tư cho Phú Mỹ để xứng tầm đô thị loại IV. Công trình nổi bật gần đây là cải tạo công viên và xây dựng bờ kè sông Tiền. Bờ kè trước đây là bến tàu, là thị tứ của Phú Mỹ nhộn nhịp thu hút tiểu thương từ Tân Huề (Đồng Tháp), Chợ Mới qua giao thương. Do sạt lở, nơi này được đầu tư xây dựng bờ kè để vừa cố định bảo vệ đất, vừa tạo cảnh quan, không khí sinh hoạt cho người dân mỗi sáng và chiều mọi người đi tập thể dục, tản bộ. Bên cạnh là công viên thị trấn Phú Mỹ, cải tạo lại từ công viên Hải Yến rộng rãi hơn, đẹp hơn với cây xanh, hoa kiểng được trồng đồng bộ, đẹp mắt.
Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Cao Minh Hải thông tin, nhiều năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên hưởng ứng phát động của Huyện đoàn thực hiện kế hoạch “Tuổi trẻ Phú Tân tham gia xây dựng văn minh đô thị” đã thực hiện các công trình, phần việc ý nghĩa tại trung tâm thị trấn. Trong đó đoàn viên, thanh niên đã lắp đặt các dụng cụ tập thể thao xung quanh công viên, khu vục hành chính huyện, cải tạo và trồng cây xanh, hoa đồng loạt nhiều tuyến đường. Riêng đoạn đường Trương Định dài 2km được chọn thực hiện “Đoạn đường văn minh đô thị”, bố trí 2 pa-nô trực quan tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tổ chức Đoàn tại trục đường chính dẫn vào trụ sở Huyện ủy. Tại đoạn đường này, đoàn viên, thanh niên bố trí thùng rác công cộng, làm cột cờ, thường xuyên ra quân chặt mé cây xanh, phát hoang bụi rậm, thu gom cỏ, rác thải và vệ sinh lòng, lề đường.
Diện mạo xanh – sạch – đẹp của thị trấn có sự đóng góp tích cực của đoàn viên, thanh niên
Huyện đoàn thành lập Đội Thanh niên tình nguyện tiến hành tuần tra, giữ gìn trật tự an toàn giao thông và cho ký cam kết không tổ chức mua bán trên tuyến đường. Ở bất kỳ khu vực công cộng nào của thị trấn, vào những đợt cao điểm, luôn có các bạn thanh niên tình nguyện thu gom rác, tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh chung, nhờ vậy các điểm sinh hoạt được đảm bảo sạch rác, an toàn. Những việc làm trên đã góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cảnh quan đô thị thông thoáng, xanh- sạch- đẹp cho Phú Mỹ.
MỸ HẠNH