Phụ nữ Tây Phú giúp nhau phát triển kinh tế

08/06/2022 - 06:40

 - Với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tây Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Tây Phú là xã vùng trong của huyện Thoại Sơn, đa số người dân sống bằng nghề nông, một số ít làm dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, có 2.404 phụ nữ 18 tuổi trở lên và có 1.283 hội viên phụ nữ. Những năm qua, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương cũng như công tác chăm lo cho hội viên phụ nữ; tinh thần “Tương thân tương ái”, xã hội - từ thiện luôn được chị em đồng tình hưởng ứng. Phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí trên tất cả các lĩnh vực trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

5 năm qua, phụ nữ xã Tây Phú đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, có 178 lượt nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 78 lượt là chị em phụ nữ. Cùng với hoạt động khai thác vốn vay, Hội LHPN xã Tây Phú còn đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, thành lập các nhóm “Phụ nữ tiết kiệm”, đồng thời phối hợp với ngành chức năng mở lớp dạy nghề ngắn hạn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho phụ nữ, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm tại chỗ, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Phú Lê Thị Diễm Thu thông tin: “Xác định hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tác dụng đòn bẩy cho việc triển khai các hoạt động khác của hội, Hội LHPN xã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Cụ thể như khai thác các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ hội viên vay phát triển kinh tế, mở lớp đào tạo nghề theo nhu cầu lao động.

Có thể thấy, các chị em không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, tham gia các lớp học nghề do Hội LHPN xã phối hợp với các ngành khác mở nhằm nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm và kiếm thêm thu nhập cho gia đình, như: Làm hoa vải, may công nghiệp, chăn nuôi lươn… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giúp chị em tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Hiện, xã Tây Phú có 2 cơ sở may gia công do hội viên Hội LHPN xã thành lập, đã phần nào giải bài toán đào tạo nghề gắn với việc làm cụ thể, cải thiện thu nhập cho lao động nữ ở nông thôn. Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Bích Châm (sinh năm 1987, ngụ ấp Phú Thuận, xã Tây Phú) duy trì đến nay đã được 2 năm và đang góp phần giải quyết lao động cho trên 20 chị em phụ nữ.

Theo chị Bích Châm, trước đây, chị bôn ba xa nhà để lao động ở Bình Dương. Vì muốn điều kiện gần con cái, chăm lo ba mẹ già, chị Bích Châm đã quyết định về quê lập nghiệp. Sẵn có nghề may, tìm hiểu nhu cầu hàng may gia công cho các cơ sở may, các nhà may tư nhân trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều, chị đã mở cơ sở may gia công ngay tại nhà.

“Thời gian đầu, cơ sở của tôi có vài chị em biết và xin may gia công. Với chị em đã có tay nghề may thì thạo việc rất nhanh. Còn những chị em chưa biết gì về may, tôi sẽ dành thời gian dạy, hướng dẫn. Với người nhạy bén, khoảng hơn 1 tuần có thể đáp ứng công việc may gia công. Tiền công tôi trả theo sản phẩm với giá từ 1.000-1.200 đồng/sản phẩm. Với mức giá như vậy, trung bình các chị em kiếm thêm thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng” - chị Bích Châm chia sẻ.

Lâu dần, nhiều chị em biết và tìm việc may gia công tại cơ sở chị Bích Châm. Không chỉ ở Tây Phú, nhiều chị em ở các xã lân cận, như: Mỹ Phú Đông, Vĩnh Phú, Vọng Đông… cũng tìm đến. “Sẵn có nghề may, khi biết đến cơ sở may gia công của chị Châm, tôi đã xin vào làm. Trước là được đi làm gần nhà cho tiện, sau là có thời gian chăm sóc con cái. Với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, giúp tôi trang trải cuộc sống” - chị Trần Thị Nhi (sinh năm 1987, ngụ xã Vọng Thê) bày tỏ.

Còn chị Lê Thị Mỹ Tâm (sinh năm 1998, ngụ xã An Bình) mới xin vào làm hơn 1 tháng tại cơ sở may gia công này. Lúc trước, chị Tâm phải làm ở tỉnh Bình Dương. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chị về quê đến nay. Được giới thiệu cơ sở may gia công gần nhà, chị xin vào ngay. “Tôi không có nghề may nhưng các chị em ở đây ai cũng nhiệt tình chỉ dạy. Khoảng 2 tuần sau khi vào làm, tôi đã rành việc. Có thời gian chăm sóc con, không tốn tiền nhà trọ, những cơ sở may gia công ở nông thôn như thế này đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ như tôi” - chị Mỹ Tâm bộc bạch.

Cơ sở của chị Bích Châm có khoảng 14 máy may, chị em nào có máy may tại nhà thì có thể nhận hàng về gia công, không nhất thiết ở tại cơ sở. “Đơn đặt hàng nhiều, lao động tại địa phương khá dồi dào, thế nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn để đầu tư, mua sắm thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho lao động nữ địa phương. Thời gian tới, tôi mong muốn sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất” - chị Bích Châm mong muốn.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích