Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông đợt I năm 2019, có 7 đoạn được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Riêng đoạn xã Phú An với chiều dài 3.100m do địa hình đáy sông sâu và sát bờ, thường diễn biến sạt lở đột xuất. Khu vực ấp Phú Quới gần trung tâm của lạch sâu - 37m, nơi này có 1 nhà thờ, 5 nhà máy xay xát, ít nhà dân, đường bờ chỉ cách Tỉnh lộ 954 khoảng 20m, phía bờ đối diện đang bồi lắng được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm. 9 tháng của năm 2019, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm, thời gian trong và sau lũ rút có nhiều diễn biến bất thường, nhất là khi lũ rút có khả năng trượt đất tại các khu vực bị ảnh hưởng. Để kịp thời phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra kết hợp tuyên truyền, thông báo, cảnh báo tình hình sạt lở cho người dân xung quanh. Vận động người dân tự bảo vệ tính mạng, tài sản và có kế hoạch di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đáng lưu ý nhất là tình trạng xâm thực diễn ra trên địa bàn xã Hòa Lạc. Ghi nhận tại ấp Hòa Hưng 1, khu vực bến đò rạch Thơm Rơm, vết sạt lở xuất hiện từ đầu năm 2015 với chiều dài 40m, khoét sâu vào bờ 5m, đến nay vẫn tiếp tục khoét sâu thêm 1-2m/năm và chưa có dấu hiệu bình ổn. Mặc dù đã được địa phương cảnh báo, hỗ trợ di dời, nhưng hiện nay còn khoảng 15 hộ dân vẫn còn sinh sống tại đây, do chưa tìm được nơi ở ổn định. Cặp bến đò, con đường dẫn vào nơi ở của 15 hộ dân bị sạt lở gần phân nửa khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Toán (54 tuổi) cho biết, gần đây nhất, tại vị trí này sạt lở phải di dời 2 ngôi nhà của 2 đứa cháu. Nhà nước đã hỗ trợ di dời vào tuyến dân cư K16. Số hộ còn sống tại đây cũng đang lo lắng nhưng đa số là nhà cất trên… đất ở tạm, hoàn cảnh kinh tế các hộ đều khó khăn, muốn tìm nền nơi khác là chuyện ngoài khả năng.
Điểm sạt lở tại ấp Hòa Hưng 1
Ông Toán bày tỏ: “Khu vực này đã có cảnh báo từ nhiều năm. Năm nào cũng vậy, nước lũ lên là đất lở từ từ theo, tùy nơi từ 1-3m. Rất mong chính quyền quan tâm hỗ trợ cho chúng tôi vào tuyến dân cư. Trước mắt, nếu chưa có nền ở thì cần có biện pháp khắc phục để việc đi lại của bà con được an toàn, nhất là học sinh đi học hàng ngày. Bà Lê Thị Yến (ngụ cùng ấp Hòa Hợp 1) chia sẻ: “Hễ nghe lở đất là con cái đi làm xa gọi về hỏi thăm. Năm nào chỗ này mùa nước lên cũng bị lở, lối đi không có, người dân rủ nhau đắp đường, chúng tôi chỉ mong sớm có chỗ ở mới an toàn và yên ổn”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc Huỳnh Văn Hoàng cho biết, trên địa bàn xã có 3 ấp có điểm sạt lở cặp sông Hậu nằm trong cảnh báo, tập trung nguy hiểm nhất tại rạch Thơm Rơm. Năm 2018 nơi này đã di dời 5 hộ dân, tất cả đều là hộ hoàn cảnh khó khăn được bố trí vào khu dân cư Hòa Lạc - Phú Thành và đã được giải quyết xong hồ sơ, ổn định nhà cửa. Hiện còn 15 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở nhưng khu dân cư không còn nền để bố trí. Ngay từ đầu năm, UBND xã tiếp cận các hộ dân, trước mắt vận động tự di dời để được hưởng chính sách của nhà nước. Đối với tuyến dân cư Hòa Lạc - Phú Hiệp, xã sẽ tiếp tục xét đối với những hộ quá khó khăn về nền để vào ở. Địa phương tiếp tục cảnh báo người dân trong khu vực sạt lở này, vì chiều sâu đáy sông quá sâu, nền đất yếu. Cao điểm vào mùa lũ, cặp bờ sông rạch Thơm Rơm có dấu hiệu lở đất vào tới nhà dân. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của xã tiếp tục kiểm tra, rà soát, thông tin với người dân để tìm cách hạn chế thấp nhất việc sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến nhà dân.
Để chủ động trong công tác phòng chống sạt lở, xã Hòa Lạc tiếp tục theo dõi, giám sát diễn biến tình hình các khu vực đã được cảnh báo, vận động người dân tự ý thức di dời đến nơi ở ổn định nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản.
MỸ HẠNH