Trung tâm Y tế huyện Phú Tân với vai trò chuyên môn xác định chủ động các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh từ sớm. Trong đó, nắm tình hình để kịp thời tham mưu chỉ đạo, không để dịch lớn bùng phát. Thực hiện tốt công tác phát hiện ca bệnh tại các cơ sở điều trị và giám sát, xử lý ổ dịch.
Dược sĩ Trần Văn Chí (Trung tâm Y tế huyện Phú Tân) cho biết, ngành y tế tập huấn định kỳ và đột xuất cho cán bộ trạm y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Các trạm y tế tiếp tục phối hợp trường học để trang bị cho giáo viên kiến thức về bệnh và cách phòng bệnh. Trung tâm Y tế huyện đã cung cấp đầy đủ hóa chất Chloramin-B cho trạm y tế các xã, thị trấn. Bên cạnh, phối hợp các đoàn thể tăng cường tuyên truyền ở địa bàn dân cư, góp phần hạn chế xảy ra dịch bệnh và lây lan.
Chị Lý Kim Tú (xã Phú Thạnh, có 2 con đều học tiểu học) cho biết, theo dõi báo đài, chị luôn chú ý ghi nhớ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh đau mắt đỏ và TCM ở trẻ. “Tại trường học, có góc tuyên truyền hướng dẫn trẻ biện pháp giữ vệ sinh, rửa tay đúng cách… các cô giáo còn nhắc nhở phụ huynh để giữ vệ sinh tại nhà. Tôi quan sát định kỳ, giáo viên dọn vệ sinh trường lớp, đồ chơi của các bé bằng các chất tẩy rửa… Điều này khiến phụ huynh khá yên tâm. Tại nhà, tôi cũng theo dõi trẻ, tất cả người lớn trong gia đình tự thực hiện các biện pháp giữ sạch môi trường sống để làm gương cho trẻ nhỏ…” - chị Tú chia sẻ.
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí dẫn đầu đã làm việc với UBND 18 xã, thị trấn về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, TCM và bệnh đau mắt đỏ. Qua báo cáo của các địa phương, dịch bệnh tập trung nhiều ở các xã Phú Bình, Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Hòa Lạc, Phú Long…
Các xã, thị trấn đã tập trung công tác chỉ đạo, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người; xây dựng và triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo cấp trên đến các ban, ngành, đoàn thể. Cùng với đó, tăng cường giám sát ca bệnh, xử lý ngay các ổ dịch nhỏ lẻ, duy trì các mô hình hiệu quả, ra quân thực hiện nhiều đợt diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng; thường xuyên tuyên truyền tại hộ gia đình, trong trường học và trên hệ thống đài truyền thanh.
UBND huyện ghi nhận và biểu dương các xã, thị trấn, nhất là các ấp, các tổ y tế trong triển khai phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành... nên số ca mắc bệnh (sốt xuất huyết) có chiều hướng giảm so cùng kỳ và đặc biệt trên địa bàn không có ca tử vong. Tuy nhiên, ghi nhận từ các địa phương, quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, còn một bộ phận người dân ý thức chưa cao; cán bộ và đoàn công tác chống dịch một số địa phương chưa thật sự quyết tâm khi ra quân; kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn hẹp…
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, các cấp, ngành triển khai và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện đối với công tác phòng, chống dịch bệnh (sốt xuất huyết, TCM, đau mắt đỏ).
"Trong quá trình triển khai, phải có sự phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của từng thành viên, đơn vị khi tham gia phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Phát huy tính gương mẫu, đi đầu của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh” - ông Ngô Thanh Trí nhấn mạnh.
Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh rộng rãi thông qua hệ thống đài truyền thanh, loa di động và trong hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội...
Ông Ngô Thanh Trí đề nghị các địa phương mạnh dạn đề xuất xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế đối với những hộ cố tình chống đối, không hợp tác, gây cản trở trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phân công phụ trách địa bàn và nhiệm cụ thể của từng thành viên theo phương châm “sâu chuyên môn, sát địa bàn”.
Trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo huyện khuyến khích các xã, thị trấn tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cần kiểm điểm, phê bình những cá nhân, tập thể không chấp hành nghiêm túc sự phân công và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu các địa phương cần quan tâm lãnh, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm tại các nơi nguy cơ cao, như: Căn-tin trường học, bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện, hàng rong và hàng quán trước cổng trường, nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
MỸ HẠNH