Hơn 2 tháng vắng bóng thanh âm quen thuộc của tiếng quết bánh nhịp nhàng ngày đêm, giờ đây, làng bánh phồng Phú Mỹ đã sản xuất trở lại. Nhưng không khí tất bật thường thấy của mùa cuối năm giảm đi ít nhiều. Năm ngoái, cùng thời điểm này, băn khoăn về tín hiệu từ thị trường, các hộ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng và số lượng nhỏ lẻ. Thị trường năm nay dự kiến sức mua giảm, đơn hàng từ đối tác ở thời điểm này vẫn chưa nhiều như thường lệ. Tuy nhiên để đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, các cơ sở chủ động giảm quy mô, chấp nhận làm ăn vừa đủ, hy vọng sang năm tín hiệu sẽ khả quan hơn. Bởi quan trọng trước mắt là người dân được sản xuất trở lại, lao động sống dựa vào làng nghề có công ăn việc làm.
Thị trấn Phú Mỹ từng là ổ dịch COVID-19 lớn trong huyện, thời gian dài phải phong tỏa. Ông Trần Văn Xuân, đại diện làng nghề cho biết, thường lệ thời điểm tháng 11 (âm lịch) hàng năm, các cơ sở đã đẩy mạnh nhịp độ làm bánh và tăng dần đến hết tháng Chạp. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết vẫn sản xuất bình thường, giá cả sản phẩm không tăng, trong khi nguyên liệu đều tăng giá, nên việc sản xuất vừa đủ và thích ứng với điều kiện dịch bệnh lúc này là cần thiết. Làng nghề hiện còn 17 hộ sản xuất, với hơn 150 lao động. Quy mô mỗi cơ sở sản xuất từ 7-8 ổ bánh/ngày (1 ổ tương đương 400 cái bánh), cao điểm có thể tăng sản lượng lên gấp đôi, cung ứng các loại bánh phồng ở hầu hết khu vực ĐBSCL.
Khôi phục sau dịch COVID-19, các cơ sở mong muốn được hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất
Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ ở xã Phú Bình, có trên 350 hộ sản xuất - kinh doanh, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia. Nơi đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống sung túc nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở trong và ngoài nước. Từ một nghề đặc thù hình thành trong mùa nước nổi, làng nghề lâu đời này được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất quanh năm. Như hầu hết ngành nghề khác, nghề bó chổi xôm tụ nhất vào mùa cuối năm, khoảng tháng 10-12 (âm lịch). Đây được xem là mùa “bội thu” của bà con, lợi nhuận mỗi cơ sở thu về có thể lên đến 15 - 30 triệu đồng/tháng. Để cung cấp số lượng giao cho thương lái, người bó chổi thường dậy sớm (từ 5 giờ sáng) và kết thúc công việc vào 3 giờ chiều. Đa số lao động chọn đây là nghề chính, lao động nhàn rỗi cũng tham gia rất nhiều công đoạn tại cơ sở hoặc tại nhà để có thêm thu nhập.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hầu hết cơ sở cố gắng thay đổi cách thức sản xuất bằng quy mô, số lượng nhỏ hơn để phòng tránh dịch. Anh Nguyễn Thuận Phong (chủ một cơ sở bó chổi) cho biết, qua thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc sản xuất chậm lại rất nhiều. Để thích ứng an toàn, linh hoạt vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh, anh đã giảm một nửa số lượng nhân công làm việc tại chỗ, thợ bó chỉ 6 người, thợ đóng cán còn 3 người. “Giáp Tết là thời điểm làng nghề sản xuất tấp nập. Đã 2 năm dịch bệnh COVID-19 khiến cơ sở của tôi nói riêng và làng nghề nói chung bị ảnh hưởng. Người dân hiện nay đã tiêm 2 mũi vaccine, tuy nhiên yêu cầu an toàn là trên hết. Cơ sở của tôi chấp nhận không lời nhiều, bố trí lao động giãn cách. Hy vọng dịch bệnh ngày càng đẩy lùi, không khí làm việc sớm trở lại như trước” - anh Phong chia sẻ.
Còn ở xóm sản xuất lò đất, dù khởi động muộn, nhưng các hộ nơi đây vẫn tranh thủ sau khi trở lại trạng thái bình thường mới tăng sản xuất phục vụ thị trường cuối năm. Theo lệ, ngày cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp, nhiều gia đình sẽ nghĩ tới việc thay lò mới, nhu cầu mua vì thế tăng mạnh. Tuy nhiên, sản phẩm nơi đây không chỉ phục vụ cho tập tục văn hóa trên, mà thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh miền Tây, giúp các hộ sản xuất liên tục quanh năm. Xóm lò đất có 40 hộ theo nghề, một số gia đình đã duy trì đến 4 thế hệ. Cái nghề tuy “chân lấm tay bùn” nhưng mỗi tháng có thể kiếm hơn 10 triệu đồng, nhất là những tháng cuối năm gối đầu sang năm mới. Tình hình khôi phục sản xuất khá chậm, song bà con cho rằng có thể vượt qua đại dịch an toàn để tiếp tục làm việc đã là may mắn. Nghề truyền thống này cùng họ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm mà vẫn bám trụ đến nay, thì một mùa sản xuất kém vui vì COVID-19 không khiến người ta nản chí.
Giai đoạn khó khăn nhất đối với hộ sản xuất nghề truyền thống là khi địa phương ở cấp độ dịch mức độ 4, lao động không có việc làm và thu nhập. Trong khi đó, cơ sở không có đầu ra, cộng với khó khăn trong vận chuyển, lệ thuộc tình hình dịch bệnh ở địa phương cung ứng nguyên liệu. Để sớm phục hồi hoàn toàn, các cơ sở mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn có cơ chế đặc thù hỗ trợ làng nghề sản xuất tạm thời, tạo điều kiện về vốn để tái đầu tư sản xuất.
MỸ HẠNH