Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Đại tướng Ral Castro tại buổi hội kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay, tạp chí Voces Del Periodista - tiếng nói của các nhà báo Mexico, đã điểm lại những mốc son chói lọi trong mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh anh em, trong đó nhấn mạnh đây là tình đoàn kết đặc biệt bắt nguồn từ sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với tiêu đề “Việt Nam-Mỹ Latinh: Từ bạn bè truyền thống đến đối tác hội nhập," tạp chí bán nguyệt san Voces Del Periodista số ra cuối tháng 4 đã mở đầu bài xã luận bằng việc khắc họa hai huyền thoại của cách mạng thế giới, đó là nhà cách mạng-nhà thơ José Martí của Cuba và lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam. Đây chính là hai nhân vật đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh.
Khắc họa về José Martí, Voces Del Periodista cho biết trong tác phẩm “Đi bộ qua xứ An Nam” đăng trên tạp chí Edad de Oro tại Mỹ năm 1889, nhà cách mạng Cuba đã mô tả rất chân thực và sinh động về truyền thống hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sau đó, ông được lãnh tụ Cuba Fidel Castro coi là “người Cuba, người Mỹ Latinh đầu tiên khám phá ra Việt Nam."
Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Voces Del Periodista kể lại rằng trong quá trình Bác bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, năm 1912 Người đã từng dừng chân tại đảo Martinique thuộc vùng Caribe, tại Uruguay và Argentina. Đây chính là nền tảng để Bác Hồ gieo những hạt giống đầu tiên cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
Trong bài xã luận, tạp chí chuyên ngành báo chí-truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực khẳng định từ thế hệ José Martí-Hồ Chí Minh cho đến tận ngày nay, tư tưởng độc lập-tự do chính là sợi dây tinh thần gắn kết Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh.
Đề cập tới tình cảm của người dân Việt Nam, Voces Del Periodista nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn ghi nhớ và cảm ơn người dân Mỹ Latinh đã tổ chức các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, cũng như luôn bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, qua đó góp phần hình thành mặt trận nhân dân trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam.
Theo tạp chí có trụ sở chính tại Mexico City này, bất chấp chiến tranh khốc liệt, chuyến thăm Việt Nam và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 của Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende, và sau đó là chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới khu vực Quảng Trị năm 1973, đã, đang và mãi là biểu tượng bất hủ của tình đoàn kết cũng như sự ủng hộ quý báu của nhân dân các nước Mỹ Latinh đối với nhân dân Việt Nam.
Trong những năm tháng khốc liệt đó, theo Voces Del Periodista, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba (năm 1960), Chile (năm 1971) và Argentina (năm 1973). Ngay sau đó, trong 5 năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước (1975-1980), Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 10 quốc gia Mỹ Latinh. Đây cũng là quãng thời gian mà Việt Nam đã sát cánh cùng các người anh em Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cũng trong giai đoạn này, không chỉ ủng hộ mạnh mẽ giúp Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, các quốc gia Mỹ Latinh còn hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại cũng như chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận.
Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Theo TTXVN