Đ.T.Y (33 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) đang làm chủ một cơ sở chăm sóc da nhỏ, vẫn phải làm các thủ tục cấp phép kinh doanh, đào tạo nghề theo quy định. Trong khi đó, nhiều “đồng nghiệp” của chị sẵn sàng thực hiện những dịch vụ thẩm mỹ có can thiệp xâm lấn (như: cắt mí mắt, nâng mũi, tiêm filler…) sau một khóa học ngắn hạn. “Điển hình như, dịch vụ nâng mũi ở các cơ sở thẩm mỹ chuyên nghiệp phải thông qua rất nhiều công đoạn, giá cả khá đắt. Hiểu tâm lý muốn “vừa rẻ vừa đẹp” của chị em phụ nữ, nhiều chủ cơ sở làm đẹp đã đưa mức giá nâng mũi chỉ 5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với mặt bằng chung. Theo tôi tìm hiểu, họ mua khối sụn nhân tạo giá rất rẻ, sau đó gọt lại để tạo dáng mũi cho khách. Thậm chí, sụn nhân tạo còn được rao bán đại trà trên nhiều trang bán hàng trực tuyến, chưa đến 1 triệu đồng. Trừ hết các chi phí, mỗi cas nâng mũi mang về thu nhập khá cho chủ cơ sở. Nhưng nếu có biến chứng xảy ra, làm sao họ chịu trách nhiệm nổi” - chị Y. bức xúc.
TP. Long Xuyên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, nên các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tập trung trên địa bàn khá lớn, số lượng cơ sở tăng hàng năm. Đến nay, toàn thành phố có số lượng cơ sở chiếm 22,3% so với cả tỉnh. Trong các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về vấn đề “làm đẹp an toàn”, nhất là khi ngày càng nhiều trường hợp bị biến chứng, tử vong sau khi thực hiện dịch vụ làm đẹp; nhiều người đổ xô làm đẹp để… đón Tết. Họ đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh tình trạng này.
Đoàn kiểm tra một cơ sở hành nghề trên địa bàn TP. Long Xuyên
“Không phải chờ đến khi có sự cố xảy ra, hoặc người dân phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc. Thực tế, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Gần đây nhất, đoàn chuyên ngành về lĩnh vực y tế TP. Long Xuyên đến kiểm tra một cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động dưới hình thức “phòng khám tạo hình và thẩm mỹ”, nhưng chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động KCB và giấy phép kinh doanh. Đoàn đã tiến hành lập biên bản và niêm phong một số dụng cụ phục vụ cho hoạt động thẩm mỹ; đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động KCB, tạo hình và thẩm mỹ kể từ ngày kiểm tra cho đến khi được Sở Y tế cấp phép hoạt động thì mới được kinh doanh tiếp tục. Qua kiểm tra một số cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc da khác, chúng tôi nhận thấy họ có giấy phép kinh doanh, nhưng chứng chỉ hành nghề chăm sóc da có lúc chưa đầy đủ, hoặc hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép (phun xăm, tẩy trắng răng… khi chưa được phép). Có nơi chiết xuất mỹ phẩm nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện tiệt trùng. Thậm chí, vấn đề cơ bản nhất là đảm bảo 6 bước rửa tay khi tiếp xúc với khách hàng cũng bị “bỏ quên”. Vừa kiểm tra, giám sát, chúng tôi vừa nhắc nhở, tuyên truyền những quy định của pháp luật, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc về thủ tục, điều kiện hoạt động, giúp họ làm tốt hơn trong thời gian tới” - BS CKII Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên cho biết.
Ngoài ra, cũng theo BS Nguyễn Văn Sử, đối với các cơ sở dịch vụ làm đẹp nhỏ lẻ, Trạm Y tế phường, xã sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, cung cấp thông tin hành nghề để chủ cơ sở hoạt động theo quy định. Hiện nay, ngành chức năng từng bước đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung để thay đổi nhận thức và hành vi của các chủ cơ sở, trong điều kiện thiếu nhân lực, kinh phí cho quá trình quản lý hành nghề.
Theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 (sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP số ngày 1-7-2016) quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở KCB có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bài, ảnh: VẠN LỘC