Hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật đưa vào doanh nghiệp, dưới hình thức sân chơi cho lao động tham gia
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã triển khai nhiều văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nữ và Ban Nữ công quần chúng hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách có lợi cho lao động nữ nói chung và trẻ em con đoàn viên, người lao động nói riêng.
Theo đó, Ban Tuyên giáo - Nữ công đã tích cực nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh triển khai kịp thời các văn bản, tổ chức các phong trào hoạt động đặc thù về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến thông tin, công tác cán bộ nữ và vì sự tiến bộ của nữ công nhân, viên chức, lao động, nhất là việc thành lập ban nữ công quần chúng tại các CĐCS được quan tâm. Qua đó, đã phát triển 14 ban nữ công quần chúng cấp trên trực tiếp cơ sở, 960 ban nữ công quần chúng thành lập ở các CĐCS với 3.043 ủy viên, đạt trên 200% so chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Trong đó, có 85 CĐCS doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng (đủ 10 đoàn viên trở lên).
LĐLĐ tỉnh An Giang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chú trọng chính sách liên quan trực tiếp đến lao động nữ tại các DN, nhất là tại các DN ngoài Nhà nước. Tích cực phối hợp chính quyền tổ chức sinh hoạt định kỳ; nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới, kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; triển khai mô hình “Sức khỏe của bạn”, giao lưu gặp mặt cán bộ nữ công tiêu biểu. Lao động nữ còn được tổ chức khám chuyên khoa, thăm hỏi, tặng quà. Con em của họ được ưu tiên xét trao học bổng Tôn Đức Thắng, quà “Tiếp sức đến trường”, bảo hiểm y tế, hỗ trợ trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo...
Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục chủ DN ký các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, cao hơn so quy định của pháp luật. Hàng năm, chủ động phối hợp kiểm tra các đơn vị, DN có đông lao động nữ, tổng hợp nhiều ý kiến, đề nghị các cấp có thẩm quyền và người sử dụng lao động có biện pháp giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Nhờ đó, ban nữ công ở cơ sở tăng cường phối hợp ban chấp hành CĐCS tham mưu, đề xuất ban giám đốc thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ, như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và đặc biệt là các chính sách, chế độ riêng đối với phụ nữ khi tham gia lao động.
Ở một số DN, ngoài các chế độ theo quy định, còn trợ cấp thêm cho lao động nữ khi sinh con hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Công ty tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho lao động nữ lớn tuổi hoặc đang trong thời kỳ thai sản. Ngoài ra, các đơn vị đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ mới, từng bước khắc phục các yếu tố độc hại, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất. Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh và một số CĐCS DN thuộc Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) là những điển hình tiêu biểu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số DN thuộc ngành thủy sản, may mặc gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất, lao động thiếu ổn định, sụt giảm tiền lương… ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của lao động nữ. Một số ban nữ công chưa phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, do hoạt động kiêm nhiệm, tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” ở các CĐCS DN triển khai mờ nhạt, không có nhiều hoạt động chăm lo thường xuyên, liên tục… kinh phí hoạt động về giới chưa cân đối. Công tác tuyên truyền giáo dục trong lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn, chưa được quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo DN…
Theo ông Nguyễn Nhật Tiến, để hoạt động nữ công thể hiện đúng chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, lao động và trẻ em, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề ra một số giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tổ chức tọa đàm để phân tích, trao đổi, nhận thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của ban nữ công quần chúng tại các CĐCS DN ngoài khu vực Nhà nước, làm rõ thực trạng hoạt động của ban nữ công, những thuận lợi và khó khăn…
Các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung các nội dung: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, các văn bản liên quan trực tiếp đến lao động nữ, về bình đẳng giới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng và kiến nghị các cấp chính quyền, lãnh đạo DN trong thực hiện đảm bảo quyền lợi người lao động. Nội dung, hình thức hoạt động nữ công phải tiếp tục đổi mới để phù hợp với tâm lý, đối tượng, khả năng tham gia của lao động nữ…
MỸ HẠNH