Quảng bá đặc sản An Giang

17/12/2020 - 06:49

 - Mekong Connect được xem là diễn đàn kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL. Với việc tham gia tích cực, giữ vai trò quan trọng tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 (tổ chức tại Đồng Tháp vào ngày 21-12 tới), những sản phẩm đặc sản của An Giang, nhất là các sản phẩm OCOP sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều khách hàng, mở rộng các kênh giao lưu, phân phối.

An Giang tham gia nhiều hoạt động chính tại Mekong Connect 2020

Cơ hội từ Mekong Connect 2020

Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) được xem là một trong những mô hình liên kết vùng đạt hiệu quả tốt nhất hiện nay của ĐBSCL. Trong đó, Diễn đàn Mekong Connect là sáng kiến tạo được nhiều dấu ấn qua 4 lần tổ chức. Mỗi năm, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các tỉnh ABCD lựa chọn với những chủ đề có từ khóa khác nhau theo diễn biến yêu cầu của phát triển. Theo đó, Mekong Connect 2015 là “Liên kết - Hội nhập - Phát triển, 2016 là “Tìm cơ trong nguy”, 2017 là “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”, 2019 là “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường”. Đối với Mekong Connect 2020, chủ đề được chọn là “Đưa sản phẩm - dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Lần đầu tiên tại Mekong Connect, tổ chức chương trình tư vấn các vấn đề cần biết khi xuất khẩu nông sản và kết nối online, offline giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các nhà mua hàng quốc tế từ các thị trường như: Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cuba, Trung Đông, Úc… Diễn đàn năm nay có sự tham gia của Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham)…

Cùng với các hoạt động chung của Mekong Connect 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang được UBND tỉnh giao trách nhiệm chính tổ chức Hội thảo chuyên đề của tỉnh An Giang là “Công nghiệp hóa sản xuất - kinh doanh nông nghiệp - Góc nhìn từ OCOP”. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Phú Son (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ) tham gia điều hành, diễn giả dự kiến gồm: ThS Cao Minh Việt (thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nhật) và các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao của tỉnh An Giang như: ông Trần Lê Hùng (Giám đốc Công ty TNHH SXTM Tiến Anh), ông Dương Xuân Quả (Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả), bà Quách Yến Phượng (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang). Hội thảo sẽ cung cấp thêm kinh nghiệm cho các chủ thể và những ứng viên OCOP (các start-up, các hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh) vượt qua khó khăn, thử thách, tự tin hơn khi thực hiện khát vọng khởi nghiệp, góp phần giải bài toán khó cho kinh tế nông thôn.

Quảng bá sản phẩm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, là 1 trong 4 sáng lập viên Mạng lưới liên kết ABCD Mekong, từ tháng 7-2019, An Giang đã triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, đã có 37 sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao (chỉ tiêu 30 sản phẩm). Ngoài ra, còn có 5 sản phẩm rất đặc trưng của tỉnh (từ gạo và đường thốt nốt) có tiềm năng đạt OCOP 5 sao (đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận).

Sau khi đánh giá, phân hạng, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau nhằm tạo động lực thúc đẩy các chủ thể phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo sự lan tỏa để chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tại Mekong Connect 2020 diễn ra ở Đồng Tháp vào ngày 21-12 sắp tới, những sản phẩm OCOP là các mặt hàng chủ lực được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang chọn trưng bày, triển lãm và kết nối tại sự kiện. Cùng với đó, An Giang còn triển lãm mô hình nhà sấy, mô hình dưa lưới công nghệ thủy canh (dưa lưới Huỳnh Long, dưa sữa, dưa trái tròn), mô hình giống lúa chất lượng cao. Tỉnh còn trưng bày sản phẩm theo các nhóm: gạo, nếp (Vibigaba, Hồng Ngọc Óc Eo, Nàng nhen, nếp NPV...); thủy sản (cá tra và các sản phẩm chế biến từ cá tra; dầu cá Ranee; khô đặc sản các loại; bong bóng cá...); sản phẩm đóng hộp (mắm chưng, cá linh kho mía, cá duồng kho lạc, bắp non...); các sản phẩm có giá trị gia tăng như: rượu đông trùng hạ thảo, trà chùm ngây, cúc pha lê, cúc đại đóa, lan gấm, cúc đồng tiền, rượu nếp, chuối, linh chi, nấm linh chi, bào tử nấm linh chi, ớt khô, dưa lê, snack nấm bào ngư, chuối sấy, tinh dầu chúc, trà Atiso đỏ...

Tham gia Mekong Connect 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề xuất xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của 4 tỉnh ABCD (sau đó mở rộng toàn vùng ĐBSCL) tại TP. Châu Đốc (Siêu thị Tứ Sơn), Phú Quốc (hệ thống Vingroup), TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ. Đồng thời, xúc tiến đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử lớn toàn cầu; xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu chung của vùng để mở rộng thị trường.


NGÔ CHUẨN