Quốc gia giàu nhất châu Âu sắp hết giường chăm sóc đặc biệt

22/11/2020 - 09:56

Đức từng được coi là ngọn hải đăng cho các nước châu Âu khác trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên và được ca ngợi là một trong những hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới. Nhưng hiện tại, quốc gia này đang bắt đầu phải vật lộn với đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 mạnh hơn kỳ thời điểm nào trước đây.


Đức đứng trước nguy cơ hết giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) dẫn nguồn dữ liệu chính thức từ Hiệp hội Y học Cấp cứu và Chuyên sâu Liên ngành Đức (DIVI) cho thấy số lượng bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của Đức đã tăng từ 267 người vào ngày 21/9 lên 3.615 người tính đến ngày 20-11, tăng gấp 13 lần trong vòng 2 tháng qua.

Hôm 21-11, số ca mắc COVID-19 tại Đức trong 24 giờ đạt kỷ lục với 24.000 ca, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Số lượng bệnh nhân được chuyển đến các đơn vị chăm sóc tích cực cũng rất đáng báo động.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu từng vượt qua đại dịch khá tốt so với các nước láng giềng. Điều này một phần do số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt cao, với 33,9 giường bệnh ICU /100.000 dân. Trong khi đó, Italy chỉ có 8,6 giường bệnh/100.000 dân. Nhưng khi số ca mắc COVID-19 trên toàn khu vực tăng vọt, ngay cả hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức cũng phải chịu áp lực lớn và các bệnh viện ở một số khu vực đang đứng trước nguy cơ quá tải.

Nhà chức trách Đức hôm 21-11 cảnh báo hệ thống y tế của nước này có thể sụp đổ trong vài tuần nếu số ca mắc tiếp tục gia tăng như hiện tại.

"Số ca nặng cần chăm sóc tích cực vẫn đang tăng lên. Số ca tử vong không thực sự đáng lo ngại nhưng vẫn ở mức rất cao. Chúng tôi vẫn chưa thể đưa các con số trở lại mức thấp. Chúng tôi về cơ bản mới chỉ ngăn chặn sự gia tăng mạnh mẽ, theo cấp số nhân của các ca nhiễm”, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel, cho biết.

Michael Oppert, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Ernst von Bergmann ở Potsdam, ngoại ô thủ đô Berlin, cũng lo ngại về sự gia tăng đột biến các ca mắc COIVD-19 trong những tuần gần đây. Ông dự đoán mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

"Chúng tôi vẫn chưa đến giai đoạn đỉnh của làn sóng bùng phát, ít nhất là theo những gì tôi thấy. Chúng tôi vẫn còn sức chứa cho một vài bệnh nhân nữa, nhưng nếu tốc độ lây nhiễm như hiện giờ vẫn tiếp diễn, ngay cả bệnh viện hơn 1.000 giường bệnh cũng sẽ không đủ, bệnh nhân sẽ được gửi về nhà hoặc đến các bệnh viện khác để điều trị”, ông nói.

Bettina Schade, y tá trưởng của bệnh viện, đã mô tả sự thay đổi của khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong vài tuần qua: "Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Chúng tôi ngày càng có thêm rất nhiều bệnh nhân với nhiều mức độ bệnh khác nhau. Chúng tôi đang phải chuyển cấp tốc rất nhiều bệnh nhân COVID-19 từ khoa thường vào khoa cấp cứu”.

Tillman Schumacher, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm cấp cao, cho biết họ đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ hơn với các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Có những bệnh nhân 30 hoặc 40 tuổi đã phải thở máy và không chắc liệu họ có qua khỏi hay không.

Tại bệnh viện này, chỉ còn 2 trong số 16 giường ICU còn trống. Nhân viên bệnh viện đã phải ngừng khám chữa các trường hợp bệnh không khẩn cấp để giảm bớt áp lực, cũng như lập kế hoạch chuyển đổi nhiều cơ sở chăm sóc đặc biệt khác thành nơi điều trị COVID-19.

Tại Đức, có đến 22.066 giường chăm sóc đặc biệt đã được sử dụng tính đến ngày 20-11. Trong khi đó, chỉ còn 6.107 giường vẫn còn trống. Đức có 12.000 giường ICU dự trữ, bao gồm cả giường bệnh dã chiến tại trung tâm hội nghị của Berlin.

Mặc dù công suất lớn, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn hồi đầu tháng đã cảnh báo các ICU có thể bị quá tải nếu tỉ lệ lây nhiễm hàng ngày tiếp tục tăng ở mức hiện tại. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD của Đức: “Chúng tôi thấy gánh nặng ngày càng gia tăng và nguy cơ bị quá tải trong phòng chăm sóc đặc biệt là rất cao”.

Đây có thể là một tin xấu cho các toàn châu Âu bởi cho đến nay, Đức vẫn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ các nước láng giềng có hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải.

Bộ Ngoại giao Đức xác nhận trong đợt dịch đầu tiên (từ ngày 21-3 đến ngày 12-4), đã có 232 bệnh nhân được chuyển đến Đức để điều trị , 44 người trong số họ đến từ Italy, 58 người từ Hà Lan và 130 người từ Pháp. Vào mùa thu, các bang North-Rhine Westphalia và Saarland cũng đã phải cung cấp giường bệnh cho 36 bệnh nhân, trong số đó có 3 người đến từ Hà Lan, 25 người từ Bỉ và 8 bệnh nhân từ Pháp, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết.

Bộ Lao động, Y tế và Xã hội Bắc Rhine-Westphalia cũng xác nhận rằng 46 bệnh viện hiện đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ nước ngoài. Hiện có 76 giường ICU được cung cấp.

Anne Funk, người đứng đầu bộ phận hợp tác xuyên biên giới ở bang Saarland, bang nhỏ nhất của Đức, giáp với Pháp, nói rằng trong đợt dịch đầu tiên, các bệnh viện của nước này đã tiếp nhận 32 bệnh nhân Pháp.

"Chúng tôi muốn giúp đỡ bệnh nhân đến từ bất kỳ nơi nào nếu có thể. Chúng tôi không muốn phân biệt quốc tịch. Hiện tại, chúng tôi vẫn có năng lực. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan y tế và chính quyền địa phương ở Pháp để giúp đỡ họ”, bà Funk nói.

Hiện tại, họ vẫn còn khả năng làm điều đó. Nhưng với tình trạng các giường bệnh ICU của Đức đang được lấp đầy nhanh chóng, không rõ họ có thể chống chọi trong bao lâu nữa.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin tức)

 

Liên kết hữu ích