Hiệu quả từ quyết sách tại kỳ họp “lần đầu tiên trong lịch sử”
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội (QH) khóa XV đã cho thấy tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Tại kỳ họp đầu tiên, QH đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quy định và tổ chức áp dụng các biện pháp chưa được luật quy định hoặc thậm chí khác với quy định của luật để ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Đây là sáng kiến lập pháp kịp thời, chưa từng có tiền lệ của QH, thể hiện tính chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa, bám sát thực tiễn và sự phối hợp rất chặt chẽ của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH với Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19. Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, càng củng cố niềm tin đối với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước.
Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của QH, các cơ quan của QH và từng vị đại biểu QH tại Kỳ họp.
Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, cùng với Nội quy kỳ họp QH đã được sửa đổi, bổ sung mới đây, tin tưởng rằng, hoạt động của QH sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc .
Tiếp tục tinh thần này, từ ngày 4 đến 11/1/2022, QH khóa XV đã tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của QH Việt Nam. Tại Kỳ họp, QH đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (gần 350.000 tỷ đồng). Nghị quyết cũng đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, góp phần khắc phục những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đến nay, các ý kiến nhận định, một năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, việc QH ban hành Nghị quyết là đúng đắn và kịp thời. Nhờ vậy, tình hình phát triển KT-XH đạt được kết quả đáng mừng. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc cuối tháng 10/2022 cho thấy, năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đặc biệt trong quý III/2022 tăng tới 13,67%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Cả năm dự kiến thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu QH giao…
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp bất thường đầu tiên, QH cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Việc Luật được thông qua sớm hơn ít nhất là 5 tháng nếu so với quy trình làm việc thông thường cũng thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động của QH nhằm kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Tăng cường vai trò của UBTVQH với hoạt động của HĐND
Một điểm đáng chú ý khác là trong năm 2022, UBTVQH đã lần đầu tiên chủ trì hội nghị tổng kết công tác HĐND cấp tỉnh. Trong đó, hội nghị tổng kết khu vực miền Bắc được tổ chức vào cuối tháng 2/2022 tại Hà Nội, do Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Các hội nghị đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung và khu vực miền Nam lần lượt được tổ chức trong tháng 3/2022.
Tại các hội nghị này, từ thực tiễn hoạt động của HĐND một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các đại biểu đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, kiến nghị tới UBTVQH quyết định các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, góp phần vào việc nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử tại địa phương.
Trong năm 2022, UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND là 1 trong những nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của UBTVQH. Trong năm 2022, công tác này đã được UBTVQH tăng cường và phát huy hiệu quả, thể hiện rõ nét vai trò của UBTVQH và nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân.
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH
Phát huy những kết quả đã đạt được, dự kiến, từ ngày 5/1 đến ngày 9/1/2023, QH sẽ họp Kỳ họp bất thường lần thứ 2, QH khóa XV. Tại Kỳ họp này, QH dự kiến xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, bao gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15...
Trong đó, việc xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là nội dung cần thiết nhất, quan trọng nhất và là yếu tố quyết định lý do phải có kỳ họp. “Theo quy định của Luật Quy hoạch, đây là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương... Do đó, chúng ta không thể để muộn được”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh về nội dung nêu trên trong phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18 của UBTVQH diễn ra giữa tháng 12/2022.
Thực tế, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được QH và đặc biệt là cá nhân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, đặc biệt là khi thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2022. Theo Nghị quyết của QH về chuyên đề giám sát này, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần được phê duyệt cuối năm 2022. Do vậy, nếu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xem xét, phê duyệt vào đầu tháng 1/2023 sẽ là căn cứ để rà soát lại các quy hoạch khác. Hướng tới mục tiêu này, trong thời gian qua, các cơ quan của QH cũng đã tham gia từ rất sớm. Ủy ban Kinh tế của QH đã sớm ban hành kế hoạch thẩm tra nội dung này một cách chi tiết với từng hạng mục, có thời hạn cụ thể.
Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo quy trình, dự án Luật này được xem xét tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chuẩn bị của ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra rất tích cực, đến nay cơ bản đủ điều kiện trình QH xem xét, quyết định sớm tại Kỳ họp bất thường nhằm có thêm thời gian cho Chính phủ chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để có thể thực thi vào ngày 1/1/2024. Đến nay, các nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu “không vì tiến độ mà hy sinh chất lượng, coi nhẹ nội dung” mà Lãnh đạo QH nhiều lần nhấn mạnh.
QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước; thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động của QH thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, các đại biểu QH nhấn mạnh, QH đã thể hiện rõ vai trò của một QH năng động, trách nhiệm, vì đất nước, vì người dân. QH đã chủ động định hướng, phối hợp cùng với Chính phủ trong việc xây dựng, nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách đặc biệt, cấp thiết, để điều hành các lĩnh vực KT-XH của đất nước một cách hiệu quả, kịp thời.
“Nhiệm kỳ QH khóa XV đã mở ra một giai đoạn, hợp tác, đồng hành rất chặt chẽ giữa QH và Chính phủ. Tôi đánh giá rất cao vai trò của QH. QH không chỉ chờ Chính phủ đưa ra những sáng kiến, trình lên dự án, hay kế hoạch trong chương trình, mà QH còn chủ động đưa ra những sáng kiến về luật pháp hay các sáng kiến về phát triển KT-XH”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội) nhấn mạnh.
Theo Nhân Dân