Quy định số 114-QĐ/TW: Tạo hành lang thể chế để lựa chọn đúng cán bộ

11/08/2023 - 19:24

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này sẽ thay thế Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dư luận trong nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhân sỹ, trí thức đánh giá rất cao Quy định số 114-QĐ/TW và coi đây là bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin đối với Ðảng và chế độ. Quy định này cùng với Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, sẽ tạo nên một hành lang thể chế để các cấp ủy, tổ chức Đảng đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp.

Quy định số 114-QĐ/TW có 5 chương, 16 điều, nội dung cơ bản tiếp tục kế thừa nội dung Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Nhưng lần này, Quy định mới có bổ sung, sửa đổi rõ hơn, cụ thể hơn, rộng hơn và bao hàm, kín kẽ hơn tất cả các mặt. Thay vì chỉ xác định chạy chức, chạy quyền là tiêu cực trong công tác cán bộ như trước đây, thì nay Đảng xác định còn nhiều tiêu cực khác ngoài chạy chức, chạy quyền để “chống”. Cho nên tên của Quy định mới này là “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Nhìn nhận điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Quy định số 114-QĐ/TW góp phần thực hiện đúng phương châm mà Đảng đã đề ra từ trước tới nay, đó là “dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Và quy định mới này của Bộ Chính trị đã kế thừa, bổ sung, nhận diện, chỉ rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền.

“Có quy định này rồi, cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nếu thấy có sự việc đề bạt sai, bổ nhiệm sai, đánh giá sai thì có quyền giám sát, đề xuất. Chắc chắn công tác cán bộ sẽ chặt chẽ hơn!”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường nhìn nhận.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường, Quy định số 114-QĐ/TW cùng với Quy định số 96-QĐ/TW và các quy định khác sẽ tạo nên sự đồng bộ về thể chế của Đảng, đưa công tác cán bộ đi vào thực chất, thực tế và hạn chế được những hiện tượng “sót lọt”, “ngồi nhầm ghế”. Sự đồng bộ, chặt chẽ này cũng góp phần giúp quy trình bổ nhiệm cán bộ hạn chế những việc “tưởng chặt rồi hóa ra vẫn lỏng”, dẫn tới những hậu quả trong công tác cán bộ như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Đề cập sự chặt chẽ này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, so với Quy định số 205-QĐ/TW thì Quy định số 114-QĐ/TW đã chỉ rõ hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới đưa, nhận hối lộ nhằm giúp người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

“Trong vấn đề môi giới, hối lộ để có chức, có quyền này, tôi cho rằng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong công tác tổ chức cán bộ cũng có chuyện đó. Hay ví dụ rất rõ như trong vụ đại án "chuyến bay giải cứu" mới đây. Thực tế chúng ta đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ trong trường hợp này rồi. Bây giờ phải đưa vào quy định, như Tổng Bí thư nói, phải kiểm soát quyền lực, phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là vì thế. Chúng ta phải ban hành thật nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn, cơ chế chính sách cụ thể để anh muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, muốn lợi dụng cũng không lợi dụng được”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

Vậy nên việc dư luận đánh giá cao Quy định mới này của Bộ Chính trị là rất dễ hiểu!

Quy định số 114-QĐ/TW chính là bước tiến quan trọng trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt, quy định này sẽ góp phần khắc phục điểm yếu như Đảng ta đã từng chỉ rõ “chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng lưu ý: “Cố gắng tránh tình trạng như lâu nay ta vẫn nói giễu về việc thực hiện Nghị quyết: "Rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề!".

Nhìn thẳng vào thực tế, Đảng, Nhà nước và dư luận trăn trở, nhức nhối, bất bình trước một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước, song trước cám dỗ mặt trái của cơ chế thị trường, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, thực hiện các việc làm trái chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Dẫu những người này phải chịu các hình thức kỷ luật Đảng, thậm chí bị truy tố, phạt tù, nhưng việc đó đã gây suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên cấp chiến lược xảy ra thời gian gần đây bị đưa ra xử lý đã cảnh báo những hậu quả khôn lường.

Thế nên, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW được dư luận nhìn nhận là Đảng ta đã kê trúng đơn thuốc để trị tận gốc khối ung nhọt trong công tác cán bộ, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực dai dẳng tồn tại thời gian qua. Quy định đó sẽ loại bỏ việc dung túng, tiếp tay, bao che các hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là thời điểm hiện nay các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trên cả nước bắt đầu quy trình giới thiệu quy hoạch nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.

Dư luận mong chờ một hành lang thể chế chặt chẽ, trong có Quy định số 114-QĐ/TW, làm cơ sở vững chãi để cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên giới thiệu, đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ, quyết tâm chuẩn bị tốt hơn nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp cho một nhiệm kỳ mới của Đảng.

Cũng chính bởi vậy, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai mới đây đã nêu rõ: Chúng ta đang khắc phục từng bước tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân, bao che tiếp tay cho tiêu cực trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc khắc phục đó, như khẳng định của bà Trương Thị Mai: “Con đường đi này còn gập ghềnh, khó khăn, nhưng quyết tâm cao thì chúng ta có thể vượt qua được”.

Thời gian gần đây, hàng loạt bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trên cả nước đã bắt đầu quy trình giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đây là bước khởi động, chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Với một hành lang thể chế chặt chẽ, trong đó có Quy định số 114-QĐ/TW, đây sẽ là cơ sở vững chãi để cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên lựa chọn, giới thiệu, đánh giá và lựa chọn cho đúng cán bộ, quyết tâm chuẩn bị tốt hơn nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp cho một nhiệm kỳ mới của Đảng.

Theo TTXVN