Quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn lâu dài

02/01/2024 - 06:13

 - Để trở thành tỉnh có mức tăng trưởng khá, là một trong những động lực kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, cần triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Rút ngắn khoảng cách với cả nước

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang, năm 2020, GRDP bình quân đầu người của An Giang là 46,6 triệu đồng, tương đương 2.010 USD, bằng 72% GDP bình quân đầu người của Việt Nam (64,5 triệu đồng, tương đương 2.779 USD). Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2025 là 2.600 USD. Nếu đạt mục tiêu này, thu nhập đầu người của An Giang đến năm 2025 chỉ bằng 54% bình quân cả nước (4.850 USD).

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam, để bắt kịp thu nhập trung bình cả nước vào năm 2030, tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của An Giang phải đạt tối thiểu 10%/năm, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong giai đoạn 2026 - 2030. Quy mô kinh tế (tổng GRDP) của tỉnh hiện còn nhỏ, chỉ khoảng 3,8 tỷ USD (bằng 1,4% của Việt Nam) nên vẫn có thể kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số cho 10 năm tới.

Quy hoạch đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm giống; là trung tâm du lịch (DL) tâm linh và DL sinh thái của vùng… Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững, mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước… 

Tạo đột phá mới

Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, yêu cầu quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng nhanh thu nhập, mức sống dân cư, kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển bền vững; cải thiện chất lượng cuộc sống tại địa phương.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm tính kết nối, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông và khu chức năng kinh tế, xã hội quan trọng. Tỉnh định hướng tăng trưởng xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

An Giang thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trước nhất là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên (thuộc hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); đẩy nhanh kết nối giao thông đến khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương; cụm công nghiệp, đô thị động lực, vùng nguyên liệu nông, thủy sản. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tập trung vào 3 ngành kinh tế quan trọng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; thương mại - dịch vụ, DL; nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là khu vực tạo động lực tăng trưởng nhanh cho tỉnh trong 10 năm tới. ĐBSCL bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, An Giang vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp tốt, có lợi thế so sánh rất lớn về vùng nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, chế biến thực phẩm.

Khi hạ tầng giao thông được đầu tư, kết nối thuận lợi, khuynh hướng nhiều nhà máy, xí nghiệp sẽ lan tỏa từ vùng công nghiệp Đông Nam Bộ về ĐBSCL nhiều hơn. Do vậy, An Giang sẽ có nhiều cơ hội thu hút phát triển đa dạng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với tiềm năng, lợi thế.

Khai thác thế mạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ các ngành thương mại (nội địa, biên giới), dịch vụ giá trị gia tăng và DL, hướng đến xây dựng An Giang trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và DL văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, DL sinh thái, kết hợp với phát triển nông nghiệp của khu vực ĐBSCL; trung tâm kinh tế cửa khẩu của vùng ĐBSCL với thị trường Campuchia, Thái Lan - Lào - Myanmar (khu vực phía Nam).

Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững của tỉnh. Bên cạnh đó, các trung tâm đô thị lớn của tỉnh, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên là trung tâm dịch vụ, thương mại đa ngành cấp vùng, với các hoạt động dịch vụ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

An Giang kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, giảm phát thải. Tỉnh sẽ ưu tiên nâng cấp, phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, rau màu, cây ăn trái; phát triển vùng chuyên canh hàng hóa lúa chất lượng cao, nếp, lúa Jasmine, lúa Nhật, lúa mùa nổi, lúa đặc sản, lúa hữu cơ… cùng các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái, được quản lý theo mã số vùng trồng, mã số sản phẩm.

Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, cung cấp giống cá tra cho toàn vùng ĐBSCL, phát triển vùng nuôi cá tra thịt chất lượng cao phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đồng thời, mở hướng, tạo nền tảng phát triển sản phẩm chăn nuôi, gắn với công nghệ chế biến thịt, sữa. Ngoài ra, phát triển vùng trồng dược liệu hàng hóa quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu chế biến cho ngành công nghiệp dược liệu (thông qua tăng diện tích, nâng cao hiệu quả trồng cây dược liệu, nấm dược liệu...). 

Các chỉ tiêu lớn đến năm 2030: GRDP bình quân đầu người đạt trên 157 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn 14.500 tỷ đồng; tổng thu từ hoạt động DL 10.000 tỷ đồng; kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa trên 50%; phấn đấu 98% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch đạt 98%..

 

NGÔ CHUẨN