Quyết định tăng lãi suất của FED trở nên khó đoán vì cuộc khủng hoảng ngân hàng

16/03/2023 - 14:19

Chỉ còn lại 5 ngày trước khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhóm họp và đưa ra quyết định về mức lãi suất của những tháng tới.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Tăng hay không tăng? Đợt điều chỉnh lãi suất vào tháng 3 này đã trở nên khó đoán đối với các nhà đầu tư và những chuyên gia kinh tế Phố Wall trong bối cảnh cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng mới đây.

Trong năm qua, ban lãnh đạo của FED đã phát tín hiệu tăng lãi suất kéo dài nhằm mục đích kiềm chế lạm phát trong nước. Nhưng giờ đây, Chủ tịch FED Jerome Powell cùng các đồng nghiệp nhận thấy họ cần phải đưa ra phản ứng kịp thời với tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn tại Mỹ cũng như việc các nhà quản lý Thụy Sĩ phải cam kết hỗ trợ ngân hàng Credit Suisse. Đó là những diễn biến đang định hình lại ngành tài chính trong nước và quốc tế trên cơ sở hàng ngày hoặc thậm chí hàng giờ.

Là một trong những ví dụ rõ ràng nhất và có liên quan nhất, hôm 13/3, lợi suất trái phiếu kho bạc hai năm – thuộc nhóm chứng khoán được giao dịch hàng đầu trên thế giới, đồng thời cũng là đại diện cho kỳ vọng FED - đã giảm mạnh hơn một nửa điểm phần trăm. Đây là mức sụt giảm nhiều nhất kể từ sau sự kiện Thứ Sáu Đen tối năm 1987. 

Những hỗn loạn trên đang diễn ra trước giờ cuộc họp của FED, khiến các chuyên gia không thể đưa ra đánh giá rõ ràng về tình hình và ảnh hưởng của nó đối với các chính sách tiền tệ.

Chỉ mới tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh chiến dịch tăng lãi suất khi đối mặt với lạm phát dai dẳng. Khi đó, các doanh nhân đã chuẩn bị tinh thần cho việc lãi suất tiêu chuẩn tăng nửa điểm tại cuộc họp ngày 21-22/3 của FED, từ mức 4,5 - 4,75% hiện tại.

Giờ đây, các nhà giao dịch nhìn nhận tuần tới sẽ ghi nhận sự thay đổi trong việc tăng lãi suất, có thể là một phần tư điểm hoặc tạm dừng. Thậm chí, còn có khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tiếp theo khi tình trạng hỗn loạn tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng có thể làm tê liệt nền kinh tế Mỹ.

Khách hàng chờ rút tiền bên ngoài trụ sở ngân hàng SVB ở Santa Clara, California, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà phân tích cũng đã tìm cách lý giải các sự kiện đang diễn ra nhanh chóng này, trong đó có vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tuần trước và việc FED đưa ra biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với ngành ngân hàng vào cuối tuần qua, cũng như việc dữ liệu mới cho thấy tiến độ chậm trong cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ. 

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do FED tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Một số chuyên gia và các ngân hàng hàng đầu nhận định FED có thể cần tạm dừng chính sách hiện nay để ổn định thị trường tài chính.

"Tôi nghĩ rằng họ sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tuần tới. Họ cần duy trì cuộc chiến chống lạm phát và tạm dừng tăng lãi suất sẽ không ngăn được tình trạng chảy máu trên thị trường”, chuyên gia Thomas Simmons của Jefferies cho biết. Ông lập luận rằng việc tạm dừng có nguy cơ hủy bỏ mục tiêu tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm của FED kể từ tháng 3 năm ngoái.

Ông nói: “Họ cũng có nguy cơ gửi tín hiệu tới thị trường rằng tác động kinh tế vĩ mô của các hiện tượng kinh tế này tồi tệ hơn chúng ta tưởng tượng”.

Cựu Chủ tịch FED Boston Eric Rosengren lại có quan điểm ngược lại. “Khủng hoảng tài chính tạo ra sự phá hủy nhu cầu. Các ngân hàng giảm tín dụng sẵn có, người tiêu dùng ngừng mua hàng hóa lớn, doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu. Lãi suất nên tạm dừng cho đến khi có thể đánh giá mức độ phá hủy nhu cầu”, ông Rosengren viết trên Twitter.

Về bản chất, sự không chắc chắn về động thái tiếp theo của FED dẫn đến việc khó nắm bắt được tình trạng hỗn loạn hiện tại của ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thực nhanh chóng và sâu sắc như thế nào.

Xét cho cùng, các đợt tăng lãi suất của FED được thiết kế nhằm kiềm chế lạm phát, và trong nhiều tháng qua, một số nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bày tỏ sự bối rối về lý do tại sao sau khi thắt chặt chính sách mạnh mẽ như vậy, lại có quá ít hiệu quả rõ rệt ngoại trừ ngành bất động sản đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Chuyên gia Michael Feroli tại JPMorgan viết: “Sau khi các ngân hàng đổ vỡ trong những ngày gần đây, chúng tôi hiểu rõ hơn ai là người chịu thiệt hại do chính sách thắt chặt mạnh mẽ của FED”. Ông dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong hoạt động cho vay của các ngân hàng quy mô trung bình sẽ làm giảm 0,5 – 1 phần trăm tăng trưởng kinh tế nói chung, đồng thời bày tỏ ủng hộ quan điểm rằng lãi suất cao hơn sẽ gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Tuy nhiên, về dài hạn, Goldman Sachs cho biết ngân hàng này vẫn dự đoán FED sẽ công bố các đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất lên mức từ 5,25 - 5,5% để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phạt ở mức 2%.

Theo Báo Tin tức