Rà soát triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại An Giang

09/11/2023 - 09:53

 - Ngày 9/11, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng dẫn đầu đoàn công tác Cục Trồng trọt đến khảo sát và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang về tình hình sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2023 – 2024.

Đồng thời, rà soát chuẩn bị diện tích tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” của An Giang. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chủ trì buổi làm việc với đoàn.

Vụ đông xuân 2023 – 2024, tỉnh An Giang có kế hoạch xuống giống 228.055ha lúa, bắt đầu từ ngày 1/11 - 31/12/2023 diện tích rau màu khoảng 17.257ha (cây màu 3.611ha, rau dưa các loại 13.646ha).

Đối với lúa, có 15 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ 144.189ha, chiếm 63,22% diện tích dự kiến xuống giống. Trong số các doanh nghiệp liên kết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký nhiều nhất với 123.039ha, bao gồm 13.832ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa.

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa, An Giang đăng ký đến năm 2025 là 103.668ha, đến năm 2030 là 152.985ha. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, An Giang đề xuất sẽ duy trì ổn định diện tích đất canh tác lúa ít nhất 200.000ha và bố trí sản xuất với tổng diện tích ít nhất 550.000ha/năm, duy trì sản lượng từ 3,5 triệu tấn lúa trở lên; đảm bảo nông dân ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa không phải là để bán tín chỉ carbon như một số địa phương hiểu sai. Đề án nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo toàn diện, có sự tham gia hiệu quả của các bên, được đầu tư về kỹ thuật canh tác, hạ tầng sản xuất, phát triển hợp tác xã kiểu mới, ký kết liên kết chặt chẽ để cùng có lợi.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, An Giang lựa chọn những vùng nguyên liệu tốt, dựa trên vùng triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) để tạo động lực. Sau đó, nghiên cứu mở rộng ở các vùng có mức độ liên kết trung bình, yếu.

NGÔ CHUẨN