Các doanh nghiệp kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Với định hướng và kế hoạch rõ ràng và chi tiết, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử, trong tương lai.
Ngành bán dẫn với những con chip được ví như những “hạt gạo” nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, thế nhưng nguồn lao động để tạo ra những hạt gạo đó lại chưa có nhiều tại Việt Nam. Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được từ 40-50%; riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhìn nhận: Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu nhưng chỉ ở khâu đóng gói, kiểm tra cho một số nhà sản xuất chip như Tập đoàn Intel của Mỹ ... Chíp bán dẫn có rất nhiều chủng loại, tính năng và độ phức tạp khác nhau nhưng Việt Nam chỉ mới đáp ứng được trong khâu đóng gói các loại chíp đơn giản.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến nhiều mảng, từ đầu tư sản xuất đến xử lý quy trình công nghệ, cập nhật công nghệ. Do đó, nhân lực cho ngành này không phải chỉ cần kỹ sư thiết kế vi mạch. Bởi, vai trò của các kỹ sư thiết kế rất quan trọng, song việc hiểu biết quy trình công nghệ sản xuất bán dẫn còn quan trọng hơn, vì tốc độ thay đổi công nghệ trong ngành này cực nhanh.
Như vậy, cùng với kỹ sư thiết kế, ngành này còn rất cần các chuyên gia, những người dù học ở bậc cao đẳng song phải có chuyên môn tốt và điều mà Việt Nam vẫn đang thiếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.
Gần đây nhất, đầu tháng 7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Trước đó, tháng 6, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.
Vào tháng 7/2023, khi lần đầu đến thăm Việt Nam, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh: Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn.
Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, thì Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho hay, để nhanh chóng có được nguồn nhân lực chất lượng, trải qua thực tiễn và có thể “vào việc” ngay thì việc đào tạo cũng cần gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, bởi nếu đào tạo mang tính hàn lâm sẽ khó bảo đảm tính thực hành trong khi tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh.
Do vậy, cần có chính sách vườn ươm, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều mặt, từ phát triển nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá và nâng cao năng lực cạnh tranh, bơm nguồn lực tài chính để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi…
Theo Phó Tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh, mặc dù, mới chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong 40 công ty chip và bán dẫn ở trong nước, nhưng Việt Nam đã có lộ trình tăng gấp 10 lần số kỹ sư này trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn FPT cũng đã chủ động xây dựng năng lực tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất chip. Theo đó, FPT đã bắt tay vào lĩnh vực chip và bán dẫn, với sự hợp tác đầu tiên là gia công cho các hãng làm chip bán dẫn của các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
FPT đã có những chuẩn bị và chính sách trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành chip bán dẫn. Cụ thể, ngoài việc thành lập Công ty cổ phần Bán dẫn FPT vào năm 2022, FPT cũng đào tạo kỹ sư chuyên về chip và bán dẫn với mục tiêu đầu ra thị trường đến năm 2030 vào khoảng 10.000 kỹ sư.
Theo ĐỨC DŨNG (TTXVN)