Cần thiết phải tiêm cho trẻ
Bộ Y tế cho biết dự kiến triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 4, ngay sau khi Úc viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna.
Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc-xin về Việt Nam. Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều, bao gồm: 0,7 triệu liều do Pfizer sản xuất và 9 triệu liều do Moderna sản xuất. Số vắc-xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7-2022, dự kiến vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4. Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ triển khai theo chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định ở trạm y tế phường - xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
Thời gian qua, nhiều trường học ở Hà Nội, TP HCM và một số địa phương đã lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chị Đ.B.H - có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - cho biết cách đây 1 ngày, cô giáo chủ nhiệm đã gửi mẫu để phụ huynh đăng ký tiêm vắc-xin cho con. Sau một ngày, hơn một nửa phụ huynh đã đăng ký. Một số chưa đăng ký với lý do con vừa khỏi Covid-19 cách đây không lâu. Nhìn chung, đa phần cha mẹ học sinh rất muốn tiêm vắc-xin cho con. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận phụ huynh lo lắng vì chưa nắm được nhiều thông tin, mức độ an toàn tiêm cho trẻ như thế nào.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh cho rằng lắng nghe các bậc cha mẹ là cần thiết nhưng trong khó khăn, chúng ta phải chọn phương án khả dĩ nhất. "Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, quy trình xử lý sự cố trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm. Các cháu sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm tại bệnh viện nên cha mẹ có thể yên tâm" - bà Minh nhấn mạnh.
TP HCM đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc-xin đối với nhóm trẻ từ 5-11 tuổi Ảnh: Hải yến
An toàn là yêu cầu hàng đầu
Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng quốc gia, việc tiêm chủng được thực hiện giống như đợt trước đó với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, tức triển khai tiêm trước cho nhóm trẻ học lớp 6 (dưới 12 tuổi) và hạ thấp dần độ tuổi. Yêu cầu hàng đầu là bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ tập huấn, hướng dẫn chuyên môn triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi cho các địa phương; hướng dẫn xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức buổi tiêm chủng, góp phần bảo đảm an toàn chung.
Nói về sự cần thiết tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ lứa tuổi này có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Việc này góp phần tăng diện bao phủ vắc-xin trong cộng đồng, góp phần thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia… Ghi nhận thực tế từ các nước đã tiêm vắc-xin cho nhóm này cho thấy tỉ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng tương đối thấp.
Liên quan đến băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc trẻ từng mắc Covid-19 (tức là đã có miễn dịch tự nhiên) liệu có cần tiêm vắc-xin không, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết một số nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm.
Vì vậy, theo TS Phạm Quang Thái, nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ngay sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ nhiều hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu Covid-19 và tình trạng Covid-19 kéo dài.
TP HCM có hơn 900.000 trẻ trong độ tuổi
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết đến thời điểm này, thành phố đã chuẩn bị xong các khâu chuẩn bị để tiêm vắc-xin cho trẻ.
Theo đó, Sở Y tế thành phố đã kết hợp với Sở GD-ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Qua thống kê, thành phố có hơn 900.000 trẻ trong độ tuổi 5-11, trong đó có khoảng 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học. Hiện những hoạt động như tập huấn nhập liệu, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn xử lý khi trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm, số lượng đội tiêm, khám sàng lọc tiêm cho trẻ ở lứa tuổi nãy đã hoàn tất. TP HCM đang chờ phân bổ vắc-xin, sau khi tiêm thí điểm sẽ tổ chức tiêm đại trà. Sở Y tế TP HCM cũng đã đề nghị 3 bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố cử các bác sĩ, chuyên gia cùng Trung tâm Cấp cứu 115 để xử lý các trường hợp trẻ gặp sự cố trong quá trình tiêm.
Theo Người lao động