Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công, mang nét đặc trưng vùng, miền. Nếu như trước đây, gia đình chị Fa La cũng như nhiều gia đình người Chăm ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước (An Phú) sản xuất và gia công sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm theo đơn đặt hàng hoặc phải đi chào hàng, bán ở khắp nơi. Nhưng từ khi du lịch làng nghề dệt thổ cẩm ở Đa Phước phát triển, lượng khách du lịch ngày càng đông, trong đó có khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài, kinh tế của các gia đình người Chăm đã khấm khá hơn trước rất nhiều. “Khách rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống. Các ngày lễ, Tết, cuối tuần… du khách đến tham quan rất đông, có lúc trên 100 lượt khách/ngày. Ngoài việc chọn mua những món hàng lưu niệm làm quà, du khách còn thích thú khi được tận tay thực hiện một số công đoạn trong quá trình dệt và được chụp ảnh cùng những người Chăm mặc trang phục truyền thống đang ngồi dệt…”- chị Fa La chia sẻ.
Du khách nước ngoài tìm hiểu các công đoạn làm chiếu uzu
Giống như các sản phẩm thổ cẩm làng Chăm, thăm cơ sở dệt chiếu uzu Tân Châu Long (phường Long Châu, TX. Tân Châu). Ông Lê Văn Tho cho biết, hiện tại, cơ sở của ông có 17 khuôn dệt bán thủ công; sản phẩm chiếu ở đây được chia làm 2 loại: chiếu hàng và chiếu đặt. “Sản xuất chiếu truyền thống bây giờ không theo kịp với các sản phẩm chiếu công nghiệp có mẫu mã đa dạng, màu sắc sặc sỡ, giá thành rẻ hơn rất nhiều”- ông Tho tâm sự. Vì vậy, mấy năm nay, ngoài sản xuất sản phẩm chiếu truyền thống, ông Tho còn đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đồ thủ công làm từ cây uzu, như: cặp, giỏ, dây nịt, dép, tấm trải bàn, bóp nữ… để bán tại các hội chợ triển lãm và các điểm tham quan du lịch. Bên cạnh đó, ông Tho còn áp dụng mô hình sản xuất gắn với du lịch, thực hiện liên kết với các công ty du lịch để thu hút khách tham quan và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Mỗi tuần, cơ sở đón khoảng 3-4 đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm về các công đoạn làm chiếu và sau đó chọn mua những món quà thủ công tại cơ sở, góp phần tăng thêm thu nhập.
Sản xuất sản phẩm kết hợp với du lịch không chỉ được áp dụng ở các làng nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị, hộ nông dân trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên); các hộ sản xuất rau màu công nghệ cao ở TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên; các vườn trái cây ở Phú Tân, Chợ Mới… thường xuyên thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp. Điển hình như: mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua… kết hợp tham quan du lịch của nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc). Dưa lê, dưa lưới do ông Phong trồng trong nhà lưới theo ứng dụng công nghệ cao được nhiều người ưa chuộng nên bán được giá cao, yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Không dừng lại ở đó, nắm bắt được xu thế và diễn biến của thị trường, ông Phong còn kết hợp làm du lịch sinh thái cho du khách đến tham quan mô hình và mua sản phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Du khách nước ngoài mua các sản phẩm thủ công
Cũng làm du lịch từ mô hình sản xuất nông nghiệp, nhưng ở quy mô lớn hơn. Nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh) không chỉ là vùng cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam, mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm quá trình sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây, trái được trồng trong nhà lưới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao và thưởng thức sản phẩm tươi ngon ngay tại chỗ, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch đến với người dân trong và ngoài tỉnh.
TRỌNG TÍN