Nhiều gia đình hầu như chỉ quan tâm đến việc vệ sinh và thay vỏ gối thường xuyên mà tuyệt nhiên không hề ngó ngàng đến ruột gối bên trong. Thậm chí, nhiều người còn dùng một chiếc gối cả chục năm trời mà không chịu thay mới, điều này cực kỳ không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể khiến bạn mắc bệnh mà chẳng biết tại sao.
Sau bao lâu nên thay ruột gối?
Thật ra, không có đáp án "cứng" cho câu hỏi này vì mức độ bẩn của ruột gối với từng gia đình, từng người sử dụng đều không giống nhau, và quan trọng là tùy vào chất liệu gối. Nancy Rothstein, chuyên gia về giấc ngủ tại Mỹ, hướng dẫn một cách để bạn xác định ruột gối mình sử dụng đã đến lúc vứt bỏ hay chưa: “Nếu chiếc gối nhà bạn làm bằng cao su, hãy thử gấp đôi chúng lại. Nếu chiếc gối không thể đàn hồi và tự trở về hình dạng ban đầu thì đã đến lúc bạn nên bỏ nó đi".
Còn TS Michael Breus, cũng là một chuyên gia tâm lý về giấc ngủ, tư vấn: "Nếu chiếc gối của bạn được nhồi bông nhân tạo, bạn nên thay nó 6 tháng một lần. Với loại gối làm bằng chất liệu memory foam hoặc bất kỳ loại gối nào hỗ trợ nâng đỡ cơ thể, bạn nên thay sau khoảng 18 – 36 tháng”.
Sau bao lâu thay ruột gối mới một lần? Điều này tùy thuộc vào từng loại gối.
Ngoài ra, bạn có thể xác định thời điểm nên thay ruột gối mới dựa vào cảm nhận của bản thân. Một chiếc gối tốt có thể lấp đầy khoảng trống giữa cổ và vai. Nếu chiếc gối hiện tại không thực hiện được điều này hoặc khiến bạn cảm thấy đau nhức vai, cổ sau mỗi đêm thức dậy thì nên thay ngay.
Tuy nhiên, dù gối không bị xẹp lún và bề ngoài nhìn vẫn còn tốt, bạn vẫn nên lưu tâm đến chuyện thay mới, đừng quên lãng mà dùng nó hết năm này qua năm khác. Gối là vật dụng mà bạn tiếp xúc mỗi ngày, thậm chí còn áp nguyên cả mặt vào để hít thở. Sau một khoảng thời gian sử dụng, nó sẽ bám đầy bụi bẩn, da chết, vi khuẩn, bụi mạt… rất có hại cho sức khỏe.
Nếu không thể nhớ chính xác, cụ thể những tư vấn của chuyên gia về việc sau bao lâu thay ruột gối mới một lần, bạn hãy cứ mặc định thay mới sau khoảng 1-2 năm, tuyệt đối không sử dụng ruột gối quá 3 năm. Nên giặt và phơi ruột gối khi có nắng to khoảng 3 tháng/lần. Đối với vỏ gối, bạn nên giặt sạch mỗi tuần.
Tác hại của việc sử dụng ruột gối cũ
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Anh, với những chiếc gối sau 2 năm sử dụng, 1/3 trọng lượng của nó sẽ bao gồm: Bụi bẩn, mạt bụi, tế bào da chết, rệp giường và các loại cặn bã khác… Đây là những tác nhân khiến bạn bị dị ứng, hắt xì, chảy nước mũi, ho, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy vùng má hoặc làm trầm trọng hơn căn bệnh hen suyễn.
Gối bông có thể chứa bụi bẩn hay dịch tiết từ cơ thể, da chết.
Ngoài ra, chúng sẽ làm do da bạn bị nhiễm trùng và nổi mụn. Nếu mặt bạn bị mụn kéo dài mà không rõ nguyên do, rất có thể thủ phạm chính là chiếc gối bẩn mà bạn đang nằm.
Đặc biệt, chất lượng của gối sẽ giảm dần theo thời gian. Gối quá cũ sẽ mất đi khả năng đàn hồi và nâng đỡ ban đầu của nó. Chúng thường bị xẹp lún theo thời gian và không thể lấp đầy khoảng trống giữa đầu và vai khi nằm ngủ. Những chiếc gối như thế sẽ làm tổn thương cổ, cột sống hoặc làm trầm trọng hơn chứng bệnh đau đầu của bạn.
Theo VTC