Sau khi cho mượn nợ, phát sinh tranh chấp

27/09/2021 - 05:13

 - Đây là chuyện rất thường gặp trong xã hội, khi một trong các bên không tuân thủ thỏa thuận vay mượn nợ ban đầu. Hậu quả, tiền bạc chưa biết khi nào thu hồi được, mà tình nghĩa lại bị sứt mẻ, khó hàn gắn.

Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, bà Lê Thị Thắm (sinh năm 1976, ngụ ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, nhà ở đối diện Trường Mẫu giáo xã Vĩnh Hậu, gia đình bà bán đồ ăn uống cho học sinh nên thân quen với cô giáo D.H.D (sinh năm 1981). Vợ chồng bà D. là người có “uy tín” ở địa phương. Vừa qua, vợ chồng bà D. cần tiền để giải quyết công việc gấp, nhờ bà Thắm giúp đỡ. Mới đầu, bà Thắm khá do dự, nhưng bà D. nói ngọt, hứa hẹn đủ điều, nên bà đồng ý cho mượn 130 triệu đồng, vợ chồng bà D. cùng ký tên vào giấy nợ.

Bà D. nói: “Cần tiền quá gấp, chồng đi công tác về sẽ ký sau, trước mắt điềm chỉ là được rồi”. Đến ngày 8-2-2021, bà D. mượn thêm 30 triệu đồng, vợ chồng bà cùng ký tên. Ngày 26-5, họ hỏi mượn thêm 40 triệu đồng. Đến lúc này, thấy bà D. năn nỉ quá nhiều, bà Thắm hỏi mượn 40 triệu đồng của P.T.T - người bà con - để đưa cho họ và cùng làm biên nhận, ký tên. Sau đó, biết vợ chồng bà D. bán nhà, bà Thắm muốn đòi tiền mà không biết họ ở đâu, điện thoại thì không liên lạc được.

Bà Lê Thị Thắm, bà Phan Thị Thu trình bày về sự việc

Cũng thời điểm này, do không mượn được ở chỗ bà Thắm, bà D. đến nhà bà Phan Thị Thu (hàng xóm) nói “mượn tiền để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, xử lý công việc gấp”, sẽ trả trong 1 tháng. Tin tưởng, ngày 11-5-2021, bà Thu cho bà D. mượn 100 triệu đồng, có làm biên nhận, ký tên. Đến ngày trả tiền, bà D. đến nhà, năn nỉ bà Thu 1 tuần sau sẽ trả, do đang chờ nguồn tiền.

“Thấy bà D. dạy nhiều năm ở đây, là chỗ thân quen nên tin lời, tôi gom hết tiền đưa cho vợ chồng bà. Trước hết là giúp cho họ, đồng thời mình cũng được chút tiền lãi. Lúc cho vợ chồng bà D. mượn tiền, tôi không biết trước đó họ đã mượn tiền của bà Thắm. Khi nghe bà D. bán nhà, tôi điện thoại hỏi số nợ, họ nói “chờ lấy tiền sẽ trả ngay”. Đến khi biết vợ chồng họ bán nhà 900 triệu đồng, tôi hỏi lại thì họ nói lòng vòng, sau đó không nghe điện thoại và tắt máy. Đã vậy, trước đó, chồng bà D. cứ quả quyết “đưa tiền cho vợ trả rồi, sao lại đòi nữa”.

Họ cũng nói với bà Thắm tương tự. Tôi thấy họ có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trước tiên là trốn tránh việc trả nợ. Tôi với bà Thắm làm đơn khiếu nại đòi số tiền cho mượn, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết, xử lý hành vi của vợ chồng bà D. theo quy định của pháp luật” - bà Phan Thị Thu bức xúc.

Để tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi nhiều lần liên lạc với vợ chồng bà D., nhưng không được thông tin. Ông Nguyễn Văn Thọ (Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu) cho biết, những người nói trên đều quen biết nhau, sống cùng khu vực. Khi phát sinh vướng mắc, họ thông tin cho ông qua điện thoại, nhưng chưa có đơn khiếu nại, nên ông chưa rõ nội dung, cũng như mục đích, yêu cầu của đương sự. Ban Nhân dân ấp đã thông tin sự việc này đến UBND xã Vĩnh Hậu.

Trả lời vụ việc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Nguyễn Văn Lộc cho biết, thông tin bước đầu, các đương sự có cho mượn tiền qua lại với nhau. Tuy nhiên, số tiền bao nhiêu, nội vụ như thế nào, địa phương đang làm rõ. Trước hết, dù đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, địa phương vẫn bố trí thời gian, cán bộ và cho mời người trong cuộc, người có liên quan để làm rõ sự việc, trong đó có cô giáo D.H.D, sau đó xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) cho biết, trước hết người cho mượn tiền cần có đơn trình bày cụ thể nội dung vụ việc đến địa phương, cơ quan công an. Ngoài các biên nhận người mượn tiền đã điềm chỉ thì sao kê, lời trao đổi giữa các bên trong điện thoại (nếu có) sẽ là cơ sở xác thực về việc các đối tượng có giao dịch với nhau.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, sự việc, cơ quan chức năng xem xét xử lý dân sự hay hình sự. Người cho mượn tiền yêu cầu xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với người mượn tiền bỏ trốn, trước hết phải có chứng cứ, cơ sở chứng minh hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người khác tin đó là sự thật để giao tài sản.

Bài, ảnh: N.R