Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tập trung vào 4 nhóm vấn đề
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm vừa qua; đồng thời rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ nhận thấy, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, Chính phủ đã hoàn thiện Nghị quyết và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.
Theo đó, để phù hợp với thực tiễn của hoạt động chống dịch, khi dịch ở mức độ cao đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Về kinh phí thực hiện tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ; đồng thời cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.
Chính phủ cũng kiến nghị cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người mắc COVID-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19; giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người mắc COVID-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19, trong đó cho phép quy định yêu cầu, điều kiện và thủ tục phê duyệt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các đại biểu cho rằng, đây là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Về đối tượng tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ: Ủy ban đề nghị làm rõ và bổ sung quy định chủ thể quyết định hoặc cho phép các đối tượng tham gia cũng như chủ thể chịu trách nhiệm khi người được huy động tham gia thực hiện các nhiệm vụ nêu trên để xảy ra những sự cố y khoa (nếu có).
Ủy ban đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục huy động, điều động, phân công, trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 và trách nhiệm phối hợp giữa cơ sở điều động nhân lực và cơ sở tiếp nhận, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 268, tuy nhiên, Chính phủ báo cáo còn gặp khó khăn trong việc bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn. Ủy ban Xã hội thấy rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là Chính phủ chưa kịp thời hướng dẫn nội dung này theo tinh thần Nghị quyết số 268.
Đối với nguồn kinh phí đảm bảo chi thường xuyên cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với quy định tại dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định về nguồn kinh phí bảo đảm cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch tương tự như cơ sở y tế công lập; thống kê về số lượng cơ sở y tế được thành lập hoặc giao nhiệm vụ thu dung, điều trị COVID-19 trong thời gian qua; bổ sung dự báo đánh giá tác động đến ngân sách Trung ương và địa phương cho giai đoạn tới khi thực hiện theo hiệu lực của Nghị quyết số 30 làm căn cứ, cơ sở cho việc quyết định.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, những chính sách mới cần có sự rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm tính khả thi, nhất là việc cho phép các đối tượng tham gia phòng, chống dịch khi dịch bệnh đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Ngoài ra, cần giới hạn nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc điều trị để có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt đối tượng này.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người mắc COVID-19 hoặc người dân không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19 còn chung chung, cần làm rõ khám chữa bệnh từ xa này khác gì tư vấn sức khỏe; quy định cụ thể về trách nhiệm của người tham gia khám chữa bệnh, cơ sở y tế, trách nhiệm quản lý của Nhà nước với loại hình này, nhất là giá dịch vụ, thông tin các loại hình dịch vụ này trên không gian mạng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phân biệt rõ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm Y tế trong chi trả cho công tác khám, chữa bệnh. “Bảo hiểm đóng hưởng, còn ngân sách chi cho ai là quyết định của Nhà nước. Trong Nghị quyết này, tôi thống nhất không giao cho Chính phủ quyền “thông nhau” giữa ngân sách và Quỹ bảo hiểm. Nghị quyết cần quy định minh bạch cái gì chi bằng ngân sách, cái gì chi bằng Quỹ bảo hiểm y tế. Trường hợp không tách được thì cho phép chi bằng ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ đạo tập trung trình những nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần được điều chỉnh bằng văn bản của Chính phủ, không quy định trong Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Y tế quy định cụ thể về mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc điều trị bệnh, nhất là bệnh COVID-19, quan tâm đến đội ngũ y tế cơ sở, nhiệm vụ cấp bách đối với y tế ngoài công lập.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, vấn đề này Đảng đoàn Quốc hội sẽ có Tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị; vì vậy, đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế hoàn chỉnh báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết kèm theo hồ sơ.
Cũng trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.
Theo PHAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)