Sốc phản vệ - Xử lý sao cho đúng?

27/11/2019 - 13:37

 - Phản ứng phản vệ có thể diễn ra bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc dị nguyên nào (thuốc và hóa chất dùng trong điều trị, thuốc tê, thuốc tiền mê, mỹ phẩm, thực phẩm, côn trùng đốt,…), có diễn biến vô cùng phức tạp, đa dạng. Nhẹ thì nổi mẩn ngứa, nặng thì khó thở, phù nề thanh khí quản, suy tim, trụy tim mạch, rối loạn ý thức… Do đó, tìm hiểu tiền sử dị ứng là khâu quan trọng nhất trong điều trị.

Sốc phản vệ - Xử lý sao cho đúng?

Để chống lại những chất lạ khi đi vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể đặc hiệu. Đối với những chất có hại thì đây là phản ứng hữu hiệu. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, hệ miễn dịch lại phản ứng một cách quá mẫn cảm với những chất vô hại như thức ăn...khi đó hệ miễn dịch sẽ khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng dị ứng. Thuốc uống, tiêm thuốc, truyền dịch, thức ăn hoặc nọc côn trùng là những nguyên nhân dễ gây ra tình trạng sốc phản vệ. Một số nguyên nhân khác gây ra sốc phản vệ như bị mất máu nhiều, cơ thể bị giập nát khi bị chấn thương,... Các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê là những nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ do thuốc. Nọc ong cũng là loại nọc côn trùng hay gặp nhất gây nên tình trạng sốc phản vệ. Thức ăn hàng ngày như trứng, lạc, các loại hải sản là những nguyên nhân thường gặp gây ra sốc phản vệ do thức ăn.

Sốc phản vệ ở mức độ nhẹ chỉ có dấu hiệu ở da hoặc niêm mạc, không suy chức năng bất cứ tạng nào. Nếu trường hợp nặng, có 1 trong bất cứ dấu hiệu: phù lưỡi, họng, nuốt khó hoặc khan tiếng, thở khò khè; thở nhanh, có tiếng rít, SpO2 giảm dưới 92%, vật vã, xanh tím, ngưng thở; mạch nhanh, yếu, da nhợt nhạt hoặc trụy mạch, tuột huyết áp, ngừng tim; buồn nôn, đau bụng, ỉa chảy,… Các mức độ này không cố định, có thể chuyển biến rất nhanh. Nhưng nguy kịch nhất là khi người bệnh có ấu hiệu thiếu oxy nặng (mạch nhanh hoặc chậm, huyết áp cao hoặc thấp < 90mmHg, thở nhanh hoặc thở ngạt, SpO2 < 92%, hoặc hôn mê).

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền, Chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Thẩm mỹ Thanh Tuyền), hướng điều trị phù hợp nhất là ngưng ngay tiếp xúc với dị nguyên (thuốc, dịch truyền, thức ăn…). Adrenaline có tác dụng tuyệt đối trong cấp cứu sốc phản vệ (co mạch, giãn phế quản, tác động lên tế bào Mast). Adrenaline liều thấp tiêm bắp (mặt trước đùi theo chứng minh tác dụng là nhanh nhất); truyền dịch kết hợp adrenaline vào dịch truyền. Có thể sử dụng kháng histamin ở những trường hợp nhẹ như Diphenhydramine. Hoặc sử dụng corticoid như Solu medrol là một dạng thuốc vận mạch trong các trường hợp mạch yếu khó bắt huyết áp hạ. Vấn đề quan trọng cần giải quyết là giữ được nhịp tim, đưa huyết áp về ngưỡng trên 90mmhg và dưới 140mmhg, giữ được SpO2 ở ngưỡng trên 92%. Trong vòng 10 phút, nếu không xử lý kịp thời, khoảng 35% nước mất ra khỏi lòng mạch. Do đó, phải đưa các chỉ số dấu hiệu sinh tồn về bình thường hoặc thật gần với ngưỡng bình thường.

AN KHANG