Các học sinh lớp 12 ở Long Xuyên tiêm vaccine. Ảnh: THANH DŨNG
Với việc ghi nhận 31.787 ca trong nước, đây được coi là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, trong ngày có 9.326 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 85 ca tử vong tại 29 tỉnh, thành phố.
Để tăng cường công tác tiêm chủng vaccine, ngày 15/2, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Sở Y tế chín tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc tiêm chủng hai liều vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ này; bảo đảm an toàn tiêm chủng và thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng, phản ứng sau tiêm chủng theo quy định, kịp thời, chính xác.
Bộ Y tế vừa có công văn trả lời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến về dự thảo công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo công văn một số nội dung sau: Việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng, chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí,…).
Với người tham dự, cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…). Các địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế hoạch dự phòng, đáp ứng các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày 15/2 Hà Nội ghi nhận 3.972 ca mắc Covid-19, trong đó có 798 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, trong hai tuần trở lại đây, số ca mỗi ngày được báo cáo dao động từ 2.700 đến 3.500 ca. Hiện toàn thành phố có gần 96 nghìn F0 đang điều trị, trong đó có hơn 91.500 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 95%).
Tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 4, 5, 6, 7, 8, 9, đồng thời giao lãnh đạo Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo giám đốc các bệnh viện dã chiến nêu trên rà soát, thanh toán các chính sách, chế độ cho nhân viên tham gia để bàn giao cơ sở vật chất lại cho đơn vị quản lý cũ trước đây. Khi được bàn giao về “chủ cũ”, các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế,... sẽ được những đơn vị tiếp nhận quản lý và sử dụng phục vụ cho người bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, phải quản lý và bảo dưỡng đúng theo quy định và phải sẵn sàng triển khai thực hiện phục vụ quản lý, điều trị Covid-19 khi có lệnh điều động từ cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau ban hành quyết định thành lập đơn vị điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển. Mỗi đơn vị có quy mô 50 giường bệnh thu dung, điều trị tầng 1 và tầng 2. Trong ngày 15/2, tỉnh Cà Mau chỉ ghi nhận thêm 156 ca mắc mới Covid-19 và không ghi nhận trường hợp tử vong do Covid-19, duy trì thành tích ngày thứ 11 liên tục không có trường hợp F0 tử vong.
Theo Nhân Dân