Sứ mệnh nghề nghiệp của người làm báo

18/06/2021 - 03:58

 - Nhiều đồng nghiệp làm báo hay trách vui: “Trong năm, phóng viên, nhà báo tác nghiệp về hàng trăm, hàng ngàn nhân vật, sự kiện. Vậy mà đến “ngày của mình”, tìm hình ảnh nói về lao động nhà báo, kiếm hoài không ra”. Mà đúng vậy thật. Máy ảnh, máy quay có sẵn trên tay, nhưng lúc nào chúng tôi cũng đứng sau ống kính, cần mẫn, tập trung hoàn thành công việc, hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp của người làm báo.

Bám sát hơi thở cuộc sống

Hướng đến kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021), tại hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản toàn quốc giữa tháng 6 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, người làm báo, người làm xuất bản nêu cao tinh thần cách mạng, ý thức trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp, phát huy trí tuệ, tài năng, tâm huyết để xây dựng những sản phẩm báo chí, xuất bản có chất lượng chuyên môn cao, bám sát hơi thở cuộc sống.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn chung, từ đầu năm đến nay, báo chí cả nước đã chủ động, bám sát, kịp thời thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị, sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Báo chí tiên phong, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phản ánh kịp thời, đầy đủ, toàn diện hoạt động chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh… Báo chí chú trọng, quan tâm dành nhiều dung lượng, thời lượng, diện tích thông tin, tuyên truyền cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, lan tỏa những thông tin tích cực về tình hình đất nước, đời sống nhân dân.

Hơi thở cuộc sống được phản ánh sâu sắc, đậm nét trên báo chí, từ những vấn đề liên quan đến quốc gia đại sự, đến những câu chuyện bình dị, đời thường. Người làm báo không vắng mặt ở bất cứ “trận địa” nào. Với người làm báo, việc dấn thân, lăn xả vào hiện trường để đem đến thông tin cho công chúng sớm nhất có thể, là một trách nhiệm, sứ mệnh đặc biệt mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Viết tiếp những “tờ hịch cách mạng”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam - từng chỉ dạy rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù dân tộc. Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh…”. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Bên cạnh đó, Người yêu cầu: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ, thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”.

Phóng viên tác nghiệp vào đêm khuya. Ảnh: G.K

Sứ mệnh và nhiệm vụ vẻ vang ấy vừa là vinh dự, vừa là áp lực đối với nhiều thế hệ người làm báo. Điều đáng băn khoăn là vẫn có lúc, có nơi xem làm báo là nghề “hái ra tiền”, bỏ quên tính cách mạng của báo chí. Đó là khuynh hướng thông tin giật gân, câu khách, mặt trái xã hội... khá phổ biến trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề và một số báo mạng điện tử. Hiện tượng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp có giảm song vẫn còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều cơ quan báo chí có biểu hiện “chạy” theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin. Những thông tin tiêu cực, sai lệch, gây hoang mang dư luận xuất hiện với tần suất không ít, ảnh hưởng đến nhìn nhận chung của công chúng về tổng thể đất nước. Trong khi đó, báo chí được kỳ vọng dẫn dắt, cổ vũ, tạo động lực, niềm tin hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp, tích cực. 

Làm báo là một nghề, nhưng lại không phải là một nghề bình thường. “Chúng tôi không xem làm báo là nghề, mà đó là nghiệp. Do vậy, sứ mệnh của người cầm bút như chúng tôi là ghép từ ngữ mình dùng thành một khối có nghĩa, nhịp nhàng và nhân văn, để hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống” - nhà báo trẻ Huỳnh Chí Nghĩa (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) đã trải lòng như thế trước ngày vinh danh nghề báo. Đó cũng là suy nghĩ chung của đội ngũ làm báo tỉnh nhà. Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Từ những sứ mệnh nghề nghiệp đặc trưng ấy, đòi hỏi những người làm báo chí cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích