Suýt chết vì uốn ván do thói quen nhiều người Việt hay làm sau bữa ăn

14/08/2023 - 19:05

Người đàn ông thường xuyên dùng tăm tre hoặc các vật sắc nhọn để xỉa răng, nhiều lần chảy máu. Đến khi đau mỏi người, cứng cơ hàm, khó ăn uống, ông vào viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván.

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Quang Chiến, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho hay bệnh nhân là ông N.V.M, 54 tuổi.

"Ông M. có một chiếc răng sâu, rất khó chịu, ông có thói quen dùng tăm tre hoặc các vật sắc nhọn (như cành cây) để xỉa răng, nhiều lần chảy máu chân răng", bác sĩ Chiến chia sẻ với VietNamNet ngày 14/8. Thói quen lâu ngày này dẫn đến việc bị nhiễm khuẩn uốn ván qua đường máu.

Cuối tháng 6, ông M. đau mỏi người, cứng cơ hàm với mức độ tăng dần, ăn uống rất khó khăn nên được người thân đưa vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện tăng trương lực cơ, co giật toàn thân liên tục, suy hô hấp, không đáp ứng với thuốc an thần.

"Bệnh nhân có diễn biến nặng rất nhanh một phần do tiền sử nghiện ma túy khoảng 20 năm, sức đề kháng yếu, viêm phổi nặng, khả năng đáp ứng với thuốc chậm", bác sĩ Chiến cho hay.

Bác sĩ Chiến kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Ảnh: Hải Vân

Các bác sĩ can thiệp bằng phương pháp đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập, thở máy. Hai ngày sau, tiên lượng thời gian nằm viện của bệnh nhân uốn ván sẽ kéo dài, bác sĩ quyết định mở khí quản để thở máy, đồng thời duy trì thuốc an thần liên tục kết hợp với dùng thuốc điều trị cai nghiện ma túy.

"Suốt hơn 1 tháng điều trị cho nam bệnh nhân, nhiều lần chúng tôi tưởng chừng đã thất bại vì những biến chứng loét do tì đè, viêm phổi thở máy dài ngày...", bác sĩ Chiến chia sẻ. Cuối cùng, bệnh nhân đã được xử trí ổn các biến chứng.

Sau hơn 30 ngày thở máy kết hợp với chế độ điều trị, chăm sóc hồi sức tích cực, bệnh nhân M. dần tiến triển, nhận biết được xung quanh, từng bước cai thở máy. Tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân lên đến 125 triệu đồng, với hồ sơ bệnh án nặng tới 2kg cho hơn 40 ngày điều trị. Đến chiều 14/8, bệnh nhân tự ăn uống, đi lại và được xuất viện về gia đình.

Đây là ca bệnh uốn ván thứ 5 ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới từ đầu năm đến nay, cũng là trường hợp đặc biệt nhất. Các bệnh nhân trước bị bệnh do chấn thương nhưng không tiêm uốn ván. Đơn cử, có trường hợp bệnh nhân đi dép buộc dây thép, dây sắt. Dây này cọ xát vào chân, gây vết thương chảy máu, khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn; các vết rách, bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ…

Sau đó, vi khuẩn sẽ phóng thích ra các độc tố uốn ván, xâm nhập vào các sợi trục thần kinh rồi di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương, gây ra tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau. Người bệnh có thể khởi phát bằng triệu chứng cứng hàm rồi co cứng các cơ tăng dần, khó thở…

Theo Vietnamnet