Tác dụng của quả và lá đu đủ với bệnh ung thư

31/03/2025 - 13:31

Theo chuyên gia, quả và lá của cây đu đủ chứa nhiều vitamin, khoáng chất, có thể giúp cơ thể phòng chống một số loại ung thư.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, đu đủ là loại thực phẩm phổ biến, có thể sử dụng khi còn xanh như một loại rau (làm nộm, xào, nấu, hầm) hoặc ăn chín như trái cây. Phần thịt đu đủ sống chứa 88% nước, 11% carbohydrate, chất béo và protein không đáng kể. Trung bình 100g đu đủ cung cấp khoảng 43 kcal, đáp ứng 75% nhu cầu vitamin C, 10% nhu cầu vitamin E và folate hàng ngày.

Đu đủ không chỉ là loại trái cây thơm ngon, dễ ăn mà còn hỗ trợ sức khỏe. Khoa học đã nghiên cứu và phát hiện rằng ăn đu đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Quả và lá của cây đu đủ chứa nhiều vitamin, khoáng chất. (Ảnh minh hoạ)

Quả và lá của cây đu đủ chứa nhiều vitamin, khoáng chất. (Ảnh minh hoạ)

Hỗ trợ phòng ung thư đại trực tràng

Chất xơ trong đu đủ có thể giúp "thu gom" các độc tố gây bệnh trong đại trực tràng, bảo vệ tế bào khỏe mạnh khỏi nguy cơ tổn thương.

Bên cạnh đó, các dưỡng chất như folate, vitamin C, beta-carotene và vitamin E tác dụng giảm thiểu nguy cơ ung thư đại trực tràng, đặc biệt là chống lại sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương ADN.

Phòng ung thư tiền liệt tuyến

Ngoài tác dụng với ung thư đại trực tràng, đu đủ chứa lycopene - chất có tác dụng tích cực trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Những người có thói quen ăn các thực phẩm giàu lycopene như đu đủ, cà chua, cà rốt, nho thẫm màu, dưa hấu có thể giảm tới 82% nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến so với những người không bổ sung các thực phẩm này vào chế độ ăn.

 

Bên cạnh đó, enzyme papain trong đu đủ có khả năng phân giải protein, hỗ trợ tiêu diệt lớp màng bảo vệ tế bào ung thư, giúp cơ thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư vú và ung thư gan.

Lá đu đủ và tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh

Không chỉ quả, lá đu đủ cũng được sử dụng trong nấu ăn và làm vị thuốc. Lá đu đủ chứa nhiều dưỡng chất như protein, lipid, carbohydrat, chất xơ, beta-carotene, các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B9), vitamin C và khoáng chất (canxi, magie, sắt, phospho, kali).

Theo nghiên cứu, lá đu đủ chứa các hoạt chất sinh học như flavonoid, coumarin giúp chống oxy hóa, giảm sốt; cyanogenic glycosides có thể hỗ trợ đề kháng ung thư. Quinones giúp cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy dịch chiết xuất từ lá đu đủ khô có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch chống lại khối u.

Tuy nhiên, việc sử dụng lá đu đủ không đúng cách có thể gây hại. Lá đu đủ có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường và thuốc kháng sinh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên tự ý sử dụng nước ép lá đu đủ để điều trị bệnh mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

Lưu ý khi sử dụng đu đủ

Mặc dù đu đủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Quả đu đủ chưa chín có thể tiết ra dịch mủ gây kích ứng hoặc dị ứng ở một số người. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nên thận trọng khi ăn đu đủ xanh do có thể ảnh hưởng đến thai kỳ.

Tóm lại, đu đủ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, có tiềm năng hỗ trợ phòng ngừa ung thư nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh rủi ro, nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng đu đủ, đặc biệt là trong mục đích hỗ trợ điều trị bệnh.

Theo VTC